Phận nghèo giữa lòng thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa lòng TP. Pleiku vẫn có những căn nhà ẩm thấp, chật chội đến nghẹt thở. Ở nơi đó, sau bộn bề nỗi lo mưu sinh, họ vẫn ấp ủ giấc mơ về một tương lai xán lạn cho con cháu.

Cám cảnh xóm… thợ hồ

Nằm trong những con hẻm đường Hùng Vương, bên bờ suối Hội Phú, tổ dân phố 1 (phường Hội Thương) như một thế giới hoàn toàn khác với những căn nhà mặt phố. Men theo những con hẻm nhỏ rộng chưa đến 1 m, khu “ổ chuột” đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Nơi đây vẫn thường được gọi đùa là khu… “nhà cổ”. Đơn giản vì hàng chục năm rồi, dẫu vật vã mưu sinh nhưng người dân cũng không thể tích lũy tiền để cất nổi cho mình một căn nhà mới.

 

Các hộ dân nơi đây phải sống trong những khu nhà lụp xụp, ẩm thấp. Ảnh: L.V.N
Các hộ dân nơi đây phải sống trong những khu nhà lụp xụp, ẩm thấp. Ảnh: L.V.N

Ở cái nơi mà mặt tiền là suối Hội Phú với cây cỏ um tùm ấy, người ta cũng thường gọi là xóm thợ hồ. Anh Lê Công Ngọc (41 tuổi), người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, cho biết: Sở dĩ có cái tên xóm thợ hồ bởi hầu hết cư dân ở đây đều làm nghề thợ xây và phụ hồ. “Hình mẫu” gia đình cơ bản ở xóm là chồng làm thợ xây còn vợ đi phụ hồ, cứ thế tạo thành từng cặp lao động theo kiểu cứ hễ là cư dân ở xóm thì không làm thợ xây cũng sẽ làm phụ hồ. “Ở đây đất đai không có, biết làm nghề gì đâu nên rồi làm thợ hồ hết. Vợ tui trước đâu có làm nghề này nhưng sau lấy nhau về đây rồi cũng phải theo chồng”-anh Ngọc chia sẻ.

Những cư dân ở khu “ổ chuột” này xây hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác. Nhưng trớ trêu thay, mái ấm của chính họ hầu hết đều liêu xiêu, lụp xụp, dột nát. Theo anh Ngọc, dù lam lũ quanh năm nhưng “được đồng nào, xào đồng ấy”.  Bởi lẽ, nghề thợ hồ không thể thoát khỏi cái vòng xoáy “làm nắng, ăn mưa; hết mưa thì ăn Tết”. Những ngày trời nắng, việc nhiều, mỗi ngày vợ chồng anh Ngọc có thể kiếm được 400-500 ngàn đồng. Nhưng đến mùa mưa dài đằng đẵng, công việc phập phù, cả xóm lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Bởi thế, quần quật với công việc nhưng cũng chỉ đủ để cơm mắm qua ngày. Anh buồn rầu: “Ngày trước, mùa mưa còn thuê chút đất ở đám sình lầy trước nhà để ươm cần nước, ươm rau môn bán kiếm ít đồng. Nay làm bờ kè suối Hội Phú thì thôi luôn rồi. Vợ chồng gồng gánh lắm mới đủ nuôi 2 con ăn học”.

Liêu xiêu khu “ổ chuột”

Anh Ngọc đưa chúng tôi ghé thăm căn nhà được xem là “khá giả” nhất ở khu này với diện tích gần 30 m2 cho 4 con người sinh sống. Những ngôi nhà khác đa phần chỉ 15-20 m2 và thậm chí có ngôi nhà chưa đến 10 m2! Anh Ngọc cười buồn bảo rằng, hầu hết các gia đình ngày trước đều đông con, nhà ít thì cũng… một chục, nhà nào nhiều thì 13, 14 người. Vốn đã phận nghèo, nhưng khi con cái lớn thì cũng cố chia mỗi người mảnh đất nho nhỏ cất cái chòi ở mà xây dựng gia đình riêng. Những cô gái mười tám, đôi mươi làm dâu ở xóm này, cô nào cô nấy ngày mới về nhà chồng đều khóc hết nước mắt. Ngày đi làm, chiều lại về dọn bùn do nước ngập vào nhà.

Ở vùng trũng thấp này, chỉ cần mưa vài tiếng đồng hồ tất cả nước thải kèm theo rác rưởi đổ về. Riết rồi cũng quen, xóm nhỏ hàng chục năm nay vẫn chịu cảnh ô nhiễm. Chỉ sang căn nhà sát bên với chiều ngang 2,5 m còn chiều sâu chưa tới 4 m, giọng anh Ngọc chùng xuống: “Đây là nhà em gái tui. Nó mới mất vì ung thư gan, bỏ lại 2 đứa con bơ vơ vì chồng nó cũng mất cách đây 4 năm do căn bệnh ung thư phổi”.

 

Những ngày này, bên bờ suối Hội Phú trở thành một đại công trường. Chỉ nay mai, khi công trình bờ kè suối Hội Phú hoàn thành, bộ mặt của khu “ổ chuột” có lẽ sẽ thay da đổi thịt. Tuy vậy, cư dân ở đây cũng chỉ dám mong con cháu chịu khó học tập, đừng theo bố mẹ làm thợ hồ như “nghề gia truyền” nữa.

Cách đó không xa, bà Mai Thị Bốn (71 tuổi) đang miệt mài cắt những cây môn để muối dưa rồi mang ra chợ bán. Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi thì bà vẫn cặm cụi mưu sinh. Quệt giọt mồ hôi, bà nói: “Khổ quen rồi cậu ơi, giờ tui mà nghỉ lại ngứa ngáy tay chân. Tui phải thuê đất để trồng môn muối dưa bán kiếm đồng ra đồng vào, lễ lạt cưới hỏi không phải xin tiền của con. Tụi nó đi làm thợ hồ cũng khổ cả chứ có đứa nào sung sướng đâu”. Lấy chồng và định cư tại đây từ năm 1964, bà chứng kiến biết bao thăng trầm của thời cuộc. Nhưng xóm nhỏ này thì khổ vẫn hoàn khổ. Đến nỗi, con trai út của bà phải đến năm 34 tuổi mới dám ngỏ lời cưới một cô vợ làm thợ may.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm