Thời sự - Bình luận

Phản ứng tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại tọa đàm "Doanh nghiệp (DN) nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội" (mới diễn ra ngày 14-12 tại Báo Người Lao Động), một chuyên gia công nghệ chia sẻ rất tâm đắc với chủ đề này, tuy nhiên không chỉ "nói không" mà DN cần làm gì với tệ nạn vu khống trục lợi trên mạng xã hội (MXH)?
Ông Võ Đỗ Thắng, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng truyền thông mạng, góp ý: "DN nói không và im lặng là chết khi nào không biết. DN phải thực hiện cảnh báo và kiểm soát rủi ro từ xa trên MXH". Thực tế, không phải chỉ có DN mới là nạn nhân của vấn nạn vu khống, nói xấu trên mạng. Đó là nỗi khổ tâm và nguy cơ của bất cứ ai. Và đó cũng là một vấn nạn toàn cầu. Vu khống trên mạng xã hội không chỉ làm xấu môi trường mạng mà còn gây những thiệt hại không nhỏ cho nạn nhân.
Chính đặc thù nặc danh, tức thời và lan tỏa rộng của MXH khiến cho các tác hại của tệ nạn vu khống càng thêm nghiêm trọng. Lại càng nguy hiểm hơn nữa với đặc thù của người dùng mạng thích những vụ việc giật gân, công kích ai đó - nhất là những đối tượng nổi tiếng.
Có thể nói rằng, nếu trên báo in, việc bị thông tin sai trái gây hại 1 thì trên MXH có tác hại gấp 10 lần. Và khi được cải chính, xin lỗi thì "tin xấu" đã lan truyền khá rộng và nạn nhân luôn trong tình huống bất lợi "được vạ thì má đã sưng".
Suy cho cùng, sống trong kỷ nguyên của MXH thống lĩnh truyền thông, phải chấp nhận chung sống với nó - cả tốt lẫn xấu. Và để sinh tồn, người ta phải biết tự bảo vệ mình. Theo các chuyên gia, đối phó với vấn nạn vu khống trên MXH luôn phải phòng ngừa và xử lý vụ việc. Nói chuyện phòng ngừa bị vu khống trên mạng thật ra chỉ có ý nghĩa là tự giữ mình đừng làm điều gì khuất tất, xấu xí để có ngày "cây kim lòi ra trong bọc". Quan trọng nhất vẫn là khả năng xử lý khủng hoảng khi bị vu khống. Cái này thì cần phải có những người giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao. Xưa nay đã có quá nhiều bài học đau xót do xử lý khủng hoảng truyền thông quá kém, thay vì dập được lửa lại làm cho lửa bùng lan mạnh hơn. Điều đáng cảnh báo là tình trạng xem nhẹ việc xử lý khủng hoảng truyền thông hiện rất phổ biến. Lẽ ra với các DN, đặc biệt là DN càng lớn thì việc xử lý khủng hoảng truyền thông cần phải có một vị trí quan trọng trong quy trình hoạt động. Thường thì việc đầu tư cho ê-kíp xử lý khủng hoảng truyền thông cũng giống như mua bảo hiểm, không ai muốn phải xài tới nhưng lúc nào cũng phải sẵn có để an tâm và giảm bớt thiệt hại khi có chuyện.
Hành vi vu khống trục lợi trên MXH thật ra nó có thể bị chế ngự bởi luật pháp hiện hành, như DN không bao giờ dùng chiêu trò cạnh tranh bẩn vu khống đối thủ trên MXH để có thể bị pháp luật trừng phạt, đồng thời cũng cần hợp tác với các cơ quan pháp luật để xử lý những kẻ có hành vi xấu với mình trên MXH. 
Theo Phạm Hồng Phước (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm