Các nhà cổ sinh vật học Argentina đã phát hiện hóa thạch 70 triệu năm tuổi của một loài cá khổng lồ ở vùng Patagonia sống giữa thời kỳ khủng long làm bá chủ muôn loài.
Ảnh minh họa. (Nguồn: bangkokpost.com) |
Theo một báo cáo trên tạp chí khoa học Alcheringa: An Australasian Journal of Palaeontology ra ngày 6-7, các nhà cổ sinh vật học Argentina đã phát hiện ở vùng Patagonia (miền Nam Argentina) hóa thạch 70 triệu năm tuổi của một loài cá khổng lồ sống giữa thời kỳ khủng long làm bá chủ muôn loài.
Báo cáo nêu rõ các chuyên gia cổ sinh vật học Argentina "đã tìm thấy hóa thạch của một con cá săn mồi có chiều dài hơn 6 mét".
Nghiên cứu khoa học xác định con cá này đã "bơi ở vùng biển Patagonia trong thời kỳ cuối kỷ Phấn trắng (Cretaceous) - thời kỷ đỉnh cao đa dạng của các loài khủng long, khi nhiệt độ tại đây ôn hòa hơn nhiều so với bây giờ.
Hóa thạch của loài động vật ăn thịt có hàm răng sắc nhọn và vẻ ngoài đáng sợ này đã được tìm thấy gần hồ Colhue Huapial" cách thủ đô Buenos Aires khoảng 1.400 km về phía Nam.
Chuyên gia Julieta de Pasqua - một trong những tác giả của nghiên cứu trên - cho biết: "Loài cá này thuộc chi Xiphactinus và là một trong số những loài cá săn mồi lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Thân cá rất mỏng, nhưng cái đầu lại khổng lồ với hàm lớn và răng sắc như kim, dài vài cm".
Vùng Patagonia của Argentina là nơi các nhà khoa học thường phát hiện được nhiều hóa thạch quan trọng nhất của khủng long và các loài vật thời tiền sử.
Trước đó, các mẫu hóa thạch của loài cá trên cũng đã được phát hiện ở một số khu vực khác trên thế giới, trong đó "một số hóa thạch trong số này thậm chí còn còn nguyên thức ăn trong dạ dày".
Tuy nhiên, hóa thạch các sinh vật thuộc chi Xiphactinus mới chỉ được tìm thấy ở Bắc bán cầu, và gần đây nhất là ở Venezuela.
Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)