Chiều 14-11, tại TP. Quy Nhơn, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Viện Nghiên cứu Kinh Thành tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn, Bình Định).
Các hiện vật gốm được phát hiện tại gò Cây Me. |
Theo PGS-TS Lại Văn Tới, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, trong thời gian 2 tháng khảo cổ (tháng 10 và 11-2017), đoàn khai quật đã đào 8 hố rộng tổng cộng 200 m2, phát hiện 8 lò nung gốm kiểu lò ống và hơn 16.300 di vật gốm (gồm 16.273 di vật gốm Chăm và 27 di vật gốm Trung Quốc).
Trong đó, di vật gốm Chăm chia làm 2 loại: bình, vò, chậu, bát, đĩa men nâu và bát, đĩa, lọ, cốc men xanh ngọc… Từ kết quả khảo cổ, Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành đưa ra nhận định các lò gốm ở gò Cây Me do triều đình Vijaya (vương quốc của người Chăm cổ) quản lý và tổ chức sản xuất, có niên đại từ cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.
PGS-TS Lại Văn Tới cho rằng tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm được nhiều đồ gốm Chăm ở Bình Định, có niên đại thế kỷ 15, chứng tỏ có sự giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Vương quốc Chăm (Bình Định) và Đại Việt thời Lê sơ. “Vai trò của gốm gò Cây Me trong xã hội đương thời là phục vụ đại đa số nhân dân hay phục vụ tầng lớp cao trong xã hội, hoặc chỉ dành cho nhu cầu xuất khẩu và ngoại thương của nhà nước đương thời? Đây là vấn đề khoa học lớn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành khoa học”, PGS-TS Tới đề nghị.
Hoàng Trọng/thanhnien