Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Phát huy giá trị văn hóa, con người trong thời kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có bề dày lịch sử, truyền thống, văn hóa đặc sắc, phong phú, con người với những đức tính tốt đẹp đã góp phần làm cho mảnh đất cao nguyên ngày càng rạng rỡ, xinh tươi. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh xác định: “Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông…”.
Khẳng định sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam
Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam”. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đi liền đó, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ cũng được chỉ rõ: “Có chính sách cụ thể phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Đặc biệt, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Tổng Bí thư phân tích, chỉ rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về văn hóa và giá trị của nó; Đảng và Bác Hồ đã chú trọng vấn đề xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam như thế nào; những thành tựu đạt được, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy phát triển văn hóa trong thời kỳ mới… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết sâu sắc: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Ưu tiên hàng đầu
Với Gia Lai, nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng con người mới và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn là sự ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều cố gắng thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt các nhiệm kỳ là công tác văn hóa, xây dựng, phát triển con người mới và đã đạt được những kết quả hết sức to lớn, toàn diện.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham quan triển lãm trưng bày hiện vật “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi” bên lề Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021. Ảnh: VOV
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,71% năm 2015 còn khoảng 3,96% cuối năm 2021. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022), cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt và di tích Rộc Tưng-Gò Đá là di tích cấp quốc gia.
Các mục tiêu, giải pháp liên quan đến quản lý văn hóa, tăng cường đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa, nhất là yếu tố con người được chú trọng thực hiện. Đến năm 2020, có 82% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (tăng 7% so với nhiệm kỳ trước) và 82% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (tăng 12%); hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có sự phát triển. 
Chú trọng lĩnh vực văn hóa, nhân tố con người
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhìn nhận: “Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động hiệu quả trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Các thể chế văn hóa, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư cho hoạt động bảo tồn tinh hoa văn hóa còn thấp; chưa quan tâm đúng mức việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, một số hủ tục chậm được xóa bỏ (…). Kinh tế vùng đồng bào DTTS vẫn chậm phát triển. Một số chương trình, chính sách dân tộc được phê duyệt nhưng nguồn lực đầu tư phân bổ chưa đáp ứng, thậm chí chưa được cấp vốn thực hiện. Trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất còn phụ thuộc vào thiên nhiên”.
Để thực hiện tốt công tác văn hóa và phát huy nhân tố con người trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chỉ số phát triển con người. Thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. 
Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: VOV
Trong đó, trên lĩnh vực văn hóa, nhiệm vụ đặt ra là: “Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, DTTS; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, tổ chức có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đầu tư các thể chế văn hóa của tỉnh, các công trình văn hóa được UNESCO và Nhà nước tôn vinh. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường (…). Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao”. Nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện đã rõ, vấn đề còn lại là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp vận dụng thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả.
Là địa phương có 44 dân tộc sinh sống, điều đó cho thấy Gia Lai là “đất lành chim đậu”. Điều đó đồng nghĩa với việc Gia Lai có nền văn hóa đa dạng, phong phú, được bổ sung và phát triển không ngừng bởi nhiều dân tộc anh em. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn-nhà nghiên cứu văn hóa và dân tộc học-cho rằng: “Tây Nguyên và nhất là Gia Lai-Kon Tum là nơi bảo lưu những yếu tố văn hóa bản địa cổ xưa của bán đảo Đông Dương và cũng là nơi mà các cư dân đã tạo cho bản thân một phong cách văn hóa thống nhất”. (Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1981).
Đúng vậy, các dân tộc Gia Lai đoàn kết, giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống và văn hóa. Tất cả đều được tôn trọng, được bảo vệ, tạo điều kiện để phát huy và làm giàu bản sắc văn hóa của dân tộc mình từ văn hóa các dân tộc anh em và tinh hoa văn hóa thế giới. Chính những giá trị to lớn của văn hóa, chính quan điểm đúng đắn về nhân tố con người trong lịch sử hình thành và phát triển mà lịch sử Đảng bộ tỉnh đều chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó có: “Nắm vững và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”, “Tin tưởng và dựa vào dân, huy động mọi nguồn lực của Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Những bài học này mãi còn giá trị và trường tồn với thời gian.
THẤT SƠN

 

Có thể bạn quan tâm