Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xây dựng đội ngũ người có uy tín

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,8% dân số. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh đã xét chọn được 6.295 người có uy tín; năm 2017, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách 1.255 người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

 

Người có uy tín tiêu biểu trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Ảnh: T.N
Người có uy tín tiêu biểu trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Ảnh: T.N

Trao đổi với P.V, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nhằm động viên tinh thần cho người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh đã được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho người có uy tín trong dịp lễ, Tết, tổ chức tập huấn và cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương... Bên cạnh đó, các địa phương còn trích ngân sách thăm hỏi tặng quà, gặp mặt, biểu dương động viên tinh thần, cung cấp thông tin cho 1.601 người có uy tín, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 4.369 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS”.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã chỉ đạo MTTQ các cấp, cùng với chính quyền và ngành chức năng xây dựng đội ngũ người có uy tín, tổ chức bồi dưỡng những kiến thức và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-ông Hồ Văn Điềm cho biết: “Định kỳ, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương già làng, trưởng thôn tiêu biểu và người có uy tín, qua đó đã động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ các cấp trong tỉnh đã rà soát, tập hợp, xây dựng được 2.064 người có uy tín tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống xã hội là các vị già làng, trưởng họ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội đoàn thể ở khu dân cư. Bản thân họ và gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nơi cư trú”.

Được biết gần đây, Thường trực Tỉnh ủy đã có chủ trương chỉ đạo việc tổ chức gặp mặt định kỳ người có uy tín, tiêu biểu ở các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó đối với cấp tỉnh sẽ tổ chức 2 năm/lần, cấp huyện và cấp xã mỗi năm 1 lần, qua đó phát huy vai trò của đội ngũ này trong các nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện.

Góp phần xây dựng quê hương

Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tuyên truyền vận động người dân tại thôn làng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, gắn với cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)-ông Siu Trung cho biết: “Người có uy tín đã cùng với già làng, trưởng thôn, các ban ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng tại các thôn làng đồng bào DTTS, tổ chức được 5.380 buổi với hơn 332.000 lượt người dự, đưa những người lầm lỡ ra kiểm điểm trước nhân dân, tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng, giúp họ trở về cuộc sống lương thiện. Đồng thời, người có uy tín đã phối hợp hòa giải thành công nhiều vụ việc, hỗ trợ cung cấp các tin có giá trị cho ngành chức năng kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa bàn...”.

 

 Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Qua các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đã có nhiều tấm gương cá nhân tiểu biểu như ông Rơ Châm Dỡn-dân tộc Jrai, ở làng Ó, xã Ia Sao huyện Ia Grai. Từ năm 2006 đến nay, ông đã cùng với tập thể cán bộ trong làng quan tâm động viên bà con phát triển sản xuất, làng đã giảm được gần 60 hộ nghèo, số hộ khá ngày càng tăng,  hơn 50% số hộ trong làng có thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm. Hay ông Nay Bah, dân tộc Jrai ở thôn Plei Ki Phum (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã tích cực vận động dân làng đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh đó, nhiều tấm gương khác như Đinh Văn Ban (xã An Thành, huyện Đak Pơ), với quá trình 10 năm làm công tác Đoàn từ Bí thư chi đoàn làng Kuk Kôn đến Bí thư Đoàn xã, ông đã tích cực phát huy vận động thanh niên địa phương thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, tham gia đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Ở TP. Pleiku có các ông Ksor Kril (làng Sơr, xã Biển Hồ), Rah Lan Sun (làng Nha Prông, phường Thắng Lợi), Ksor Kol (làng Kép, phường Đống Đa)… đã vận động nhân dân đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tà đạo và tệ nạn xã hội...

Còn tại làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro), nhắc đến ông Đinh Bar thì ai cũng biết. Ông Bar đã có thành tích tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình, quần chúng nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ nạn ma lai, thuốc thư trong đồng bào DTTS. Hay như ông Puih H’Rip, dân tộc Jrai, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Pah, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn là hạt nhân tích cực trong các đợt phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và an ninh nông thôn, chống vượt biên, vận động đồng bào DTTS đoàn kết góp phần xây dựng quê hương, buôn làng ngày càng phát triển.

Thanh Nhật (thực hiện)

 
* Ông RMAH BEO-dân tộc Jrai, người có uy tín ở làng Ia Tong, xã Ia Le, huyện Chư Pưh: Qua 42 năm giải phóng, cuộc sống của bà con DTTS có rất nhiều thay đổi, đời sống ngày càng ấm no. Trong xã hội có nhiều cán bộ lãnh đạo và kỹ sư, bác sĩ là người DTTS. Đó là sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương, để cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước.

Do vậy bản thân tôi sẽ cố gắng cùng với địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động đồng bào ý thức tự vươn lên, động viên con em học tập để nâng cao dân trí, xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, trông chờ ỷ lại, tích cực lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.


 
* Ông Y THÀNH-dân tộc Bahnar, giáo phu Công giáo, người có uy tín ở làng K’Dung II xã Hà Ra, huyện Mang Yang: Là địa bàn có đông đồng bào DTTS theo đạo, tôi nhận thấy thời gian qua, địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động các tôn giáo, thực hiện đúng chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Tuy nhiên ở địa phương vẫn còn những cá nhân theo tà đạo “Hà Mòn”, ảnh hưởng an ninh trật tự. Do vậy, trong sinh hoạt tôn giáo và trong cuộc sống, tôi sẽ nhắc nhở bà con theo đạo chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, cảnh giác với âm mưu của kẻ xấu lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần gìn giữ an ninh trật tự…


 
* Ông RƠ CHÂM BLAIH-dân tộc Jrai, người có uy tín ở làng Prép, xã Ia Phí, huyện Chư Pah: Tự hào là người dân sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tôi nhận thấy Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào DTTS. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận bà con nhẹ dạ cả tin bị kẻ xấu lừa phỉnh tham gia những việc sai trái.

Do đó, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tích cực vận động đồng bào DTTS phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để có cuộc sống ấm no, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng quê hương buôn làng và địa phương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm