Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Năm 2018, qua bình chọn, huyện Đak Đoa có 106 người uy tín tiêu biểu. Họ là những già làng, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, đảng viên, người hiểu biết phong tục tập quán nên được bà con coi trọng. Uy tín của họ ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp và giải quyết nhiều vấn đề ở làng, xã”-ông Lê Chí Tôn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa, cho biết.

Uy tín trong cộng đồng

Là người có uy tín trong cộng đồng, những năm qua, ông Hmơk (làng Krun, xã Hneng) luôn thực hiện tốt vai trò vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh của làng, phối hợp đấu tranh ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật; vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh và khu dân cư văn hóa. Cụ thể, ông đã vận động bà con trong làng không thả rông heo, bò mà phải có chuồng nuôi nhốt. Chuồng nuôi heo, bò phải làm xa nơi ở, vệ sinh hàng ngày để đảm bảo môi trường sống. “Trong xây dựng nông thôn mới, tôi đã vận động bà con trong làng đóng góp được gần 1.000 ngày công và trên 100 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia hòa giải 12 vụ xích mích trong dòng họ, hàn gắn 5 cặp vợ chồng có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”-ông Hmơk chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ (thứ 3 từ trái qua)-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa trao đổi với những người uy tín tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y
Ông Nguyễn Hữu Thọ (thứ 3 từ trái qua)-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa trao đổi với những người uy tín tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y

Tương tự, ông Lik (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cũng là một người rất có uy tín trong cộng đồng. Không chỉ là tấm gương sản xuất giỏi, ông Lik còn luôn quan tâm giúp đỡ bà con trong làng cùng vươn lên. Ông chia sẻ: “Tôi luôn động viên bà con chịu khó lao động sản xuất để thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, tôi cho bà con trong làng mượn 500 kg lúa giống để gieo trồng. Ngoài ra, tôi còn cho một gia đình mượn 2 con heo giống (trị giá 6 triệu đồng) để chăn nuôi”.

Nhờ sự hỗ trợ của ông Lik, nhiều hộ trong làng Piơm vươn lên thoát nghèo. Bà Nanh kể: “Gia đình mình nghèo do sinh nhiều con. Trong 3 năm qua, năm nào gia đình cũng được ông Lik cho mượn 50 kg lúa giống để gieo sạ. Năm 2017, ông Lik còn cho gia đình mượn 2 con heo giống và hướng dẫn cách nuôi. Bây giờ, nhà mình không còn thiếu gạo nữa. Từ 2 con heo ông Lik cho mượn, giờ gia đình mình đã có 3 con heo nái, đẻ được 18 con heo lớn nhỏ rồi”.

Cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân

Không chỉ đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà người uy tín ở huyện Đak Đoa còn là lá cờ đầu trong việc vận động người dân thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa tặng giấy khen cho người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa tặng giấy khen cho người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y

Dù năm nay bước sang tuổi 80 nhưng ông Đinh Đăm-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Không chỉ có nhiều đóng góp cho xã Hà Đông khi còn đương chức mà từ khi nghỉ hưu (năm 2001) đến nay, ông vẫn tích cực vận động bà con trồng rau xanh ở vườn nhà, trồng bời lời ở những diện tích ven rừng, làm lúa nước 2 vụ, nuôi bò, heo. Ông cũng thường xuyên tham gia phối hợp giải quyết những vấn đề nổi cộm của xã, nhất là việc xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã hiến 2 sào đất để mở rộng khuôn viên Trường Mẫu giáo làng Kon Sơ Nglok. Đồng thời, ông cùng với chính quyền xã vận động 21 hộ dân làng Kon Sơ Nglok hiến đất để mở rộng đường vào khu sản xuất. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn xã. Trước tình hình đó, ông đã cùng với các già làng, trưởng thôn, các vị chức sắc có uy tín tổ chức nhiều đợt phát động quần chúng nhân dân từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Nhờ đó, 45 hộ ở 2 làng Kon Nak và Kon Mahar đã từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”.

Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: Thời gian qua, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là cầu nối giữa ý Đảng-lòng dân; tích cực phối hợp vận động nhân dân phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh ở cơ sở, đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Người uy tín cũng đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đồng thời, người uy tín còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ an ninh, tổ tự quản xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm