Phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn giai đoạn 2: Làm thay đổi nhận thức người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng: Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang triển khai giai đoạn 2 (2021-2023). Kết quả đạt được bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo các làng. Tuy nhiên, làm chuyển biến nhận thức để cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, bà con nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu.


Dạo bước trên những tuyến đường bê tông bằng phẳng ở làng Pông, ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-phấn khởi nói: “So với trước đây, không chỉ làng Pông mà cả làng Hek, làng Trớ và Kinh Pêng (gọi chung là 4 làng Đồn) bây giờ đã đổi khác rất nhiều. Những con đường tắt ngang dọc đã không còn. Nhà cửa bây giờ đã được sắp xếp ngăn nắp, đường làng bố trí theo ô bàn cờ thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt. Chuồng trại chăn nuôi được di dời ra khỏi gầm nhà sàn, đặt ở phía sau nhà. Có được điều đó là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giúp người dân thay đổi cuộc sống”.

Diện mạo làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã khang trang hơn. Ảnh: Phương Vi
Diện mạo làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã khang trang hơn. Ảnh: Phương Vi

Sắp xếp nơi ở, chăm lo xây dựng cuộc sống cho người dân là thành quả trong giai đoạn 1 của Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn. Bước sang giai đoạn 2, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đồng thời, hỗ trợ triển khai một số mô hình kinh tế, tạo việc làm, phấn đấu thực hiện một số tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Chư A Thai bày tỏ: Hiện tại, 4 làng Đồn vẫn còn khó khăn. Xuất phát điểm của bà con rất thấp, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (29,7%), chưa có công trình thủy lợi nên sản xuất bấp bênh... Bên cạnh đó, dù đã tuyên truyền, vận động nhiều, song một số hộ dân vẫn tiếp tục chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, nhiều gia đình chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường, sức khỏe. Chính quyền địa phương xác định phải bằng mọi cách làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, trước tiên tập trung thực hiện thí điểm tại làng Pông.

Ông Toàn cho hay, để vận động, khuyến khích dân làng Pông xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh và sử dụng hiệu quả, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể đều trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Xã cũng đứng ra tín chấp vay 600 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường để các hộ khoan giếng và làm nhà tắm, nhà vệ sinh (20 triệu đồng/hộ). “Không chỉ trực tiếp hướng dẫn cách làm hồ sơ vay, chúng tôi còn trực tiếp tìm kiếm đơn vị khoan giếng uy tín, giá rẻ cho bà con. Một số gia đình kết hợp khoan chung giếng, làm chung nhà vệ sinh, khoản vay dư ra có thể mua thêm heo, bò để chăn nuôi, cải thiện kinh tế”-ông Toàn chia sẻ.

Khoan giếng giúp người dân làng Pông chủ động nguồn nước trong sinh hoạt. Ảnh: Phương Vi
Việc khoan giếng giúp người dân làng Pông chủ động nguồn nước trong sinh hoạt. Ảnh: Phương Vi

Nhờ sự năng động ấy, đến nay, 23 hộ ở làng Pông đã có giếng nước, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Chị Đinh Thị Rét cho biết: “Giếng ở cạnh nhà rồi nên không phải đi lấy nước ở xa nữa. Có nước đầy đủ nên nhà tắm, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn trước nhiều lắm. Nước giếng dùng cho sinh hoạt, trồng rau màu quanh nhà”. Gia đình anh Đinh Phi cũng vay 20 triệu đồng làm giếng và xây nhà tắm, nhà vệ sinh. Anh Phi cho hay: “Từ ngày có nhà tắm, nhà vệ sinh, mọi sinh hoạt gia đình đều thuận tiện, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Tập tục tổ chức tang ma, cưới hỏi kéo dài, tốn kém là những trở ngại khiến cái nghèo khó cứ đeo bám trong các làng. Ông Toàn cho hay: “Đời sống khó khăn nhưng tập tục lạc hậu chậm được xóa bỏ, đám tang, đám cưới kéo dài nhiều ngày. Một số gia đình học theo người Kinh thuê khung rạp, đặt mâm cỗ rất tốn kém, nợ chồng thêm nợ sau mỗi lần cưới hỏi, tang ma. Để xóa bỏ tập quán lạc hậu, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về chính sách, pháp luật, vận động, giải thích cho bà con hiểu, nhận ra sự lãng phí, tốn kém không đáng có để thay đổi, điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, sử dụng hợp lý các nguồn lực trực tiếp hướng dẫn người dân sản xuất và sinh hoạt, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm