Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Phát triển văn hóa tại Gia Lai: Nhiều thành tựu quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu ấy đã khẳng định văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Chiều 17-10, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và đề ra các mục tiêu để hoàn thành chiến lược trong thời gian tới. Dự hội nghị có đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện HĐND tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương. Dịp này, 8 nghệ nhân của các loại hình văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 
Thành tựu qua 1 thập kỷ
Trải qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, thể thao và du lịch đối với việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội đã đầy đủ và sâu sắc hơn. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch được tăng cường, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tuyên truyền văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp, nâng cao về chất lượng và quy mô, qua đó phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” từ tỉnh đến cơ sở được duy trì. Tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa tăng dần theo từng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 264.693/347.372 gia đình văn hóa, đạt 76,19%, tăng 17,33% so với năm 2009.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà (giữa) trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân dân gian. Ảnh: P.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà (giữa) trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân dân gian. Ảnh: P.L
Nổi bật nhất là công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà nhấn mạnh: “Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa được tăng cường; nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được tôn vinh. Toàn tỉnh hiện có 13 di tích lịch sử cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Năm 2018, lần thứ 2 tỉnh đã tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng”. Về di sản văn hóa phi vật thể có Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui và sử thi Bahnar đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện toàn tỉnh có 23 nghệ nhân ở các loại hình văn hóa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Phong trào văn hóa được các địa phương chú trọng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; các lễ hội xuân như Hội Cầu huê (thị xã An Khê), Lễ cầu mưa (huyện Phú Thiện), Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah); liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên học sinh hè; liên hoan cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, tạc tượng, dệt vải cấp huyện... được duy trì tổ chức hàng năm.
Vấn đề xã hội hóa hoạt động văn hóa trong 10 năm qua cũng đã nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh,  từng bước thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: rạp chiếu phim, khu vui chơi thiếu nhi, sân bóng đá, khu thể thao… đã giúp đa dạng lựa chọn cho người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng cao của xã hội.
Chú trọng phát triển văn hóa cơ sở
Xác định văn hóa cơ sở là hạt nhân trong phát triển văn hóa tỉnh nhà, chiến lược phát triển văn hóa 10 năm tiếp theo (đến năm 2030) của tỉnh tập trung vào các chương trình, hoạt động ở địa phương. Theo đó, hàng năm xây dựng chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa-xã hội tại cơ sở và phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương. Nghiên cứu sưu tầm, cải tiến, chế tác nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc, các làn điệu dân ca, các bài hát phục vụ cho sáng tác và biểu diễn. “Ngoài ra, cần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thu hút quần chúng tham gia thông qua hoạt động sáng tạo, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, hạt nhân phong trào, sinh hoạt câu lạc bộ ca múa nhạc dân tộc… Phấn đấu đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc bản địa vào cuộc sống, trở thành một phần phổ biến trong hưởng thụ văn hóa của người dân, của du khách trong và ngoài nước khi đến Gia Lai”-ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu quan điểm.
Đội cồng chiêng nhí làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) biểu diễn tại một liên hoan cồng chiêng ở TP. Pleiku. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Đội cồng chiêng nhí làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) biểu diễn tại một liên hoan cồng chiêng ở TP. Pleiku. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương. Cùng với đó, thông qua các sự kiện và hoạt động văn hóa lớn được tổ chức tại tỉnh để thể hiện tiềm năng và năng lực xây dựng, phát triển đời sống tinh thần của địa phương. Cần phải nâng cấp lễ hội và Khu Di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang) như một sự kiện lớn về văn hóa, du lịch của tỉnh, tiến tới xây dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa du lịch của vùng. Luân phiên đăng cai và tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì; hướng tới tổ chức Festival Cồng chiêng của tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần nhằm quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh tỉnh nhà…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Huỳnh Nữ Thu Hà nhận định: “Để phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 như những nội dung chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, chúng ta đã có rất nhiều thuận lợi, nền tảng để kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được. Đó là thời cơ nhưng cũng là thách thức cho ngành Văn hóa”. Vì vậy, để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ngành Văn hóa cùng các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình, mục tiêu của chiến lược văn hóa đến cơ sở; tiếp tục quán triệt có hiệu quả, quyết liệt, cụ thể hơn đối với 8 nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa; gắn kết chặt chẽ từ khâu chỉ đạo đến khâu tổ chức triển khai; tăng cường hơn nữa công tác thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự ngành Văn hóa. Ngành Văn hóa cũng cần tiên phong đi đầu, có kế hoạch cụ thể để tập hợp, phổ biến chiến lược rộng rãi; thực hiện xã hội hóa các thiết chế văn hóa…
 
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Thời gian qua, TP. Pleiku đã đầu tư xây dựng, sửa chữa các hạng mục tại Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú, Di tích thắng cảnh Biển Hồ, Làng văn hóa du lịch Plei Ốp… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ, giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Pleiku, tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến tham quan Pleiku.
 
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo (huyện Kông Chro): Được công nhận Nghệ nhân Ưu tú dịp này, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận. Danh hiệu này là động lực để tôi tích cực hơn nữa trong việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác và truyền dạy các làn điệu dân ca Bahnar cho thế hệ trẻ. Ngoài ra tôi cũng sẽ tiếp tục truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng, đánh chiêng nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
 
Nghệ nhân Ưu tú Ksor Krôh (huyện Chư Pah): Khi còn khỏe, tôi vẫn thường đi tạc tượng nhà mồ cho bà con trong vùng. Giờ già yếu rồi thì truyền dạy lại cho lớp trẻ, những ai muốn học tôi đều vui vẻ dạy để lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Như vậy, sau này khi tôi không còn nữa thì vẫn có người tiếp tục gìn giữ, phát huy nghề tạc tượng của cha ông.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm