Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Chùa Hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quy hoạch sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thẩm định và trình phê duyệt Quy hoạch. Thời gian lập Quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày 13-4-2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch có tổng diện tích khoảng 8.200 ha, là toàn bộ không gian, diện tích tự nhiên các xã Hương Sơn, An Tiến, An Phú và Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Ảnh nguồn internet

Cụ thể, phạm vi lập Quy hoạch có tổng diện tích là 4.960,06 ha, bao gồm: diện tích Khu vực bảo vệ I là 2.759,32 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 1.198,81 ha (theo Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn) và khu vực nghiên cứu, dự kiến mở rộng vùng phụ cận nhằm phát huy giá trị có diện tích là 981,93 ha.

Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp khu sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp xã An Tiến, Hùng Tiến, An Phú; phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp khu dân cư và đất nông nghiệp xã Hương Sơn và phía Tây giáp đất nông nghiệp và khu dân cư xã An Phú.

Theo Quyết định, mục tiêu lập Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Làm căn cứ pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và làm cơ sở khoa học trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương gắn với phát triển du lịch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống và tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân trong khu vực.

Tổ chức không gian và bố trí, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan, hưởng thụ các giá trị di tích.

Đồng thời, định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Tạo hình ảnh huyện Mỹ Đức ngày càng thân thiện, phát triển, gắn với việc bảo tồn bền vững các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương).

Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, môi trường cảnh quan, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm phát triển và kế thừa di sản là nhiệm vụ trung tâm, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ then chốt.

Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững; định hướng tổ chức không gian; phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến môi trường di tích...

Cơ quan quản lý lập quy hoạch là UBND TP. Hà Nội. Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức là chủ đầu tư.

Có thể bạn quan tâm