Phóng sự - Ký sự

Phép mầu tình mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm ấy, nếu mẹ tôi để chị nằm lại một mình, chắc chắn chị sẽ không qua khỏi. Sự kiên trì tới cùng và tình yêu của người mẹ đã giúp chị tôi vượt qua ngưỡng cửa tử thần
Tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội vào năm 1972, cha tôi được phân công lên Lai Châu làm việc. Lần đầu chân ướt chân ráo bước vào Ty Y tế, cha tôi ngây ngất khi nhìn thấy một cô gái tóc dài mượt như suối, phải đứng lên ghế để gội đầu, giữ tóc không chạm đất. Dù chưa nhìn rõ mặt, cha tôi đã đem lòng yêu và quyết tâm cưới người đó làm vợ.

Cha tôi khi đang công tác tại Ty Y tế Lai Châu
Cha tôi khi đang công tác tại Ty Y tế Lai Châu
Có điều, ở Ty Y tế nam nhiều nữ ít, cô gái ấy đã là một hoa khôi thu hút sự chú ý của tất cả trai trẻ, có người nhà ngói cây mít, có người gia đình bệ đỡ lớn. Thậm chí có anh nhà báo đi xe Min khờ (Minsk) ở thủ đô lên viết bài cũng quyết tâm theo đuổi. Cha tôi khi ấy quần vẫn vá vài miếng, cứ mỗi khi thấy người trong mộng có đàn ông đến tán tỉnh, lại đi qua phòng đánh tiếng: "Đông ơi, quần đùi em khâu cho anh đâu rồi? Đưa anh đi tắm".
Cô dược sĩ trẻ giận tím mặt, không thèm nhìn đến chàng trai gầy gò, râu quai nón lại hay ăn nói vô duyên. Để tỏ lòng mình, cha tôi thề thốt: "Nếu anh không còn cha mẹ già dưới xuôi, anh nhảy sông Đà cho em thấy rõ tình anh". Vậy nhưng, cô dược sĩ tóc dài quá gót chân vẫn không nói gì.
Một lần, hai người cùng đi công tác ở Mường Tè. Ngày ấy đi lại khó khăn, địa bàn chủ yếu là miền núi, mỗi lần công tác phải cuốc bộ từ sáng tới tối mới vào đến nơi. Dân bản mới bắn được một con thú liền làm thịt liên hoan mời cán bộ. Hồi đó, muốn dân bản nghe mình sống vệ sinh, ốm uống thuốc, đưa người bệnh ra trạm y tế thay vì cúng ma thì phải ăn uống cùng dân bản, tạo niềm tin để dân bản coi như anh em trong nhà.
Cô dược sĩ vì thế dù rất sợ nhưng cũng phải ăn thịt rừng, uống rượu cùng mọi người. Về đến Trạm Y tế Mường Tè, cô nôn thốc nôn tháo, đi ngoài liên tục đến mức gần như liệt giường. Khi ấy, chỉ có người đồng nghiệp khó ưa ở bên chăm sóc. Quay lại thị xã Lai Châu, hai người thành vợ chồng. Cha tôi lấy được mẹ tôi vì thế.
Gọi là đám cưới nhưng chỉ có vài gói kẹo báo cáo tổ chức, cha mẹ tôi dọn về ở trong căn tập thể nhỏ đơn sơ. Mẹ chuyển về làm Xí nghiệp Dược phẩm vì không còn phù hợp cho những chuyến đi vào bản. Những đứa con lần lượt ra đời khi cha tôi hoặc đi công tác hoặc về Hà Nội học cao cấp chính trị. Sau này, mẹ tôi từng ngậm ngùi: "Có chồng mà như chửa hoang, lần nào chửa đẻ cũng chỉ một mình".

Mẹ tôi khi chưa lấy chồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Mẹ tôi khi chưa lấy chồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cha mẹ tôi bên anh chị tôi
Cha mẹ tôi bên anh chị tôi
Mùa đông năm 1977, mẹ tôi khi ấy 28 tuổi, một nách 2 con. Bà ngoại ở Nam Định lên đỡ đần mẹ. Cha tôi vừa đi công tác Sìn Hồ thì chị tôi bị tiêu chảy. Mẹ tôi bế con gái 1 tuổi vừa biết bập bẹ ra bệnh viện tỉnh. Trên đường đi, chị tôi chỉ vào bông hoa dại, ngọng nghịu nói "hoa". Mẹ tôi dịu dàng: "Đúng rồi, hoa, để mẹ hái cho con".
Bệnh viện tỉnh nằm sát Ty Y tế. Thấy chị tôi quá yếu, bác Phúc, Trưởng Ty Y tế khi đó, động viên: "Em yên tâm, không có Hùng (cha tôi) ở nhà thì có bọn anh. Thuốc nào tốt nhất trong kho của viện và Ty Y tế bọn anh sẽ dùng cho cháu".
Chị tôi cầm được tiêu chảy thì chuyển sang táo bón, bụng trương cứng lên như trống, người mất nước, bỏ ti mẹ, mắt không nhắm lại được. Mẹ phải vuốt mắt cho chị.
Hôm ấy bà ngoại ra trông chị thay mẹ, mẹ tranh thủ chạy về xem cậu con trai 3 tuổi và chuẩn bị đồ để lại ra viện. Lúc mẹ đang ở khu tập thể thì người của Xí nghiệp Dược gọi thông báo có điện thoại của cha tôi. Ngày ấy liên lạc khó khăn, cha tôi dùng điện thoại bàn của Trạm Y tế Sìn Hồ gọi về xí nghiệp mới gặp được mẹ. Nghe thấy tiếng cha tôi, mẹ òa khóc nức nở, nói ngắt quãng mãi được vài từ: "Anh về ngay, con sắp chết rồi". Cha tôi càng gặng hỏi, mẹ càng nấc lên, không nói được thêm gì.
Lúc ấy là 8 giờ sáng, cha tôi lao bổ về. Sìn Hồ cách thị xã Lai Châu hơn 60 km, đường chủ yếu là đèo dốc, cha tôi chạy ngã sấp mặt, trầy đầu gối, mệt thì cố đi bộ, thi thoảng gặp ôtô tải thì xin đi nhờ được vài quãng. Lúc cha tôi về đến nơi đã là gần 9 giờ tối. Khi ấy chị tôi chỉ còn thoi thóp, không còn nghe thấy tiếng tim đập. Bác sĩ nói không còn hy vọng, khuyên về chuẩn bị hậu sự. "Em lấy mảnh vải trắng mới may cho con bộ quần áo, gối riêng, đừng dùng bất cứ vật dụng nào của anh nó, nếu không, sẽ không may mắn cho thằng bé" - mọi người dặn dò mẹ tôi.
Mẹ tôi ôm chặt chị tôi, đờ đẫn hỏi chồng: "Anh ơi, ngày mai người ta chôn con, em cũng phải đi theo chứ". Ngày đó, trẻ con yểu mệnh thường được đặt trong quan tài gỗ mỏng, thuê người vác lên núi chôn, vài năm sau cỏ mọc rậm rạp là mất mộ. Mẹ tôi sợ sau này không tìm được chỗ con nằm. Cha tôi bối rối bảo: "Để mai rồi anh tính".
Cha tôi khóc. Cha vốn là người cứng rắn và mạnh mẽ, được xem là nhân tố bồi dưỡng của tỉnh, được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao ở sự thông minh, kiên quyết, bấy giờ khóc rưng rức. Bác Phúc vỗ vai cha tôi: "Hùng ơi đừng khóc, Đông là đàn bà khóc đã đành. Em phải cố gắng lên làm chỗ dựa cho vợ con. Em mà khóc, Đông nó càng đau lòng".
Mọi người khuyên mẹ tôi nên đặt chị xuống về nhà nghỉ ngơi, nếu không khí lạnh nhiễm sang mẹ tôi sẽ không tốt, có thể làm mẹ ốm và ảnh hưởng cả đến anh tôi. Dù mọi người nói thế nào, mẹ vẫn kiên quyết ở lại ôm chị. Có người cố giằng chị ra khỏi mẹ, nói để chị được ra đi nhẹ nhàng nhưng mẹ tôi sống chết không buông.
Trời đêm miền núi lạnh thấu xương, mẹ ngồi ôm chị chân tê buốt đến mức không còn cảm giác. Mấy ngày chị không bú, ngực mẹ cương cứng, đau nhức. Mẹ dùng tay kéo miệng chị ra, bóp sữa vào rồi dùng tay khép miệng lại. Mẹ mấy ngày không ăn uống, sữa trong như nước. Vài lần như thế bỗng nghe thấy tiếng chép chép nhỏ, mẹ tôi hét ầm lên: "Các anh chị ơi, con em vẫn còn sống".
Cha tôi đi sắc đại hoàng, thi thoảng nhỏ vài giọt vào miệng chị. Cha tôi học tây y nhưng có tìm hiểu nhiều về đông y. Khi tây y đã bó tay, cha tôi nghĩ đến việc sử dụng vị thảo dược này. Đại hoàng thường được người dân miền núi sử dụng để chữa các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, đau dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa...
Vài giờ sau, chị tôi bỗng gồng người bắn ra được một viên phân nhỏ và cứng như đạn. Sau đó, bụng chị mềm hẳn. Chị bú và mắt khép mở được. Bác sĩ vỗ vai mẹ tôi: "Bây giờ, con em sống thật rồi".
Bác Phúc thì đùa mẹ tôi: "Bây giờ hoa cười trên mặt nguyệt rồi". Bởi mấy ngày chị tôi nằm viện, mẹ rầu rĩ bỏ ăn uống, mặt hốc hác, mắt thâm quầng đến mức có người không nhận ra.
Đêm ấy, nếu mẹ tôi để chị nằm lại một mình, chắc chắn chị sẽ không qua khỏi. Sự kiên trì tới cùng và tình yêu của người mẹ đã giúp chị tôi vượt qua ngưỡng cửa tử thần. Những người quen biết cha mẹ tôi sau hơn 40 năm gặp lại, vẫn nhắc chuyện này và gọi đó là phép mầu của tình mẹ.
Sau lần chết hụt, chị tôi rất ít đau ốm, là đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh nhất trong 5 anh em tôi. Lớn lên, chị tôi thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội, cùng mái trường với cha tôi. Cha tôi không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều biết, đó là niềm hãnh diện nhất của ông. 
NGỌC TRÂM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm