Phóng sự - Ký sự

Phía sau những gánh hàng rong: Nỗi niềm ai tỏ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không người thân, không họ hàng bên cạnh, không bạn bè, tài sản quý giá nhất của họ chỉ là chiếc xe đạp, đôi quang gánh hoặc một chiếc xe hàng nhỏ. Họ là những người độc hành ở đất Hà thành. Hàng thập kỷ qua, những bước chân họ in dấu khắp phố phường, những tiếng rao vẫn cất lên ngày đêm, dù đã mai một nhiều…

Vị đắng phía sau nụ cười

Phố Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) một ngày lễ lớn trong năm. Nắng thu nhẹ nhàng rơi trên phố. Những ngả đường thưa thớt người và xe. Chỉ còn vài người đang dọn dẹp phần vỉa hè trước cửa nhà. Lác đác một vài hàng trà đá, nước mía với những chiếc ghế nhựa trống không.

Một người đàn ông trung niên dựng xe đạp lên vỉa hè. Đôi chân trần đen nhẻm vì bụi đất. Bàn tay liên tục phe phẩy chiếc quạt nan thủng lỗ chỗ. Trên chiếc xe đạp hoen gỉ vẫn nặng trĩu những chùm nhãn lồng Hưng Yên. “Vẫn chưa về à?”, một người đàn ông đạp xe đạp chở phế liệu ngang qua, hỏi. “Chưa. Nốt chỗ này mới về được”, anh đáp lại.

Một người bán hàng rong đạp xe trên phố cổ Hà Nội

Một người bán hàng rong đạp xe trên phố cổ Hà Nội

Phía ngôi nhà cao tầng đối diện, một phụ nữ trung tuổi đang lái chiếc xe ô tô 7 chỗ vào ga ra.

- Mua nhãn lồng Hưng Yên đi chị ơi! - người bán hàng gọi.

- Bao nhiêu?

- 30.000 đồng một cân thôi.

- Vẫn thế à?

Nói xong, gia chủ đi thẳng vào nhà. Chiếc cửa cuốn từ từ hạ xuống. Người đàn ông cười trừ nhìn theo.

Bất chợt anh hướng ánh mắt sang tôi. “Nãy giờ ngồi ghi chép cái gì thế chú? Nhãn không?”, anh hỏi. “Vâng, cho em một cân”, tôi nói, rút ví. “Hâm à, mua bán gì? Anh mời mà!”, anh cản tôi lại, rồi dúi vào tay tôi mấy quả nhãn. Tôi thấy vị ngọt lịm của nhãn lồng Hưng Yên tan trong miệng.

Người đàn ông ấy tên Quốc Hùng, 40 tuổi, quê Hưng Yên, hiện đang trọ một mình ở khu Phúc Tân, bán hàng rong ở Hà Nội đã gần 20 năm. Sáng 6 giờ ra khỏi nhà, tối 7 giờ về ăn tối nghỉ ngơi, đều như vắt chanh, hôm nào ế hàng thì cố bán tới 9, 10 giờ tối. “Sao anh không đi dép vào?”, tôi hỏi. “Mất rồi còn đâu. Đêm qua ngủ quên bỏ dép vào nhà, sáng ra mất luôn. Chỗ anh ở hay thế!”.

Thỉnh thoảng, anh Hùng lặng lẽ nhìn tôi rất kỹ từ đầu đến chân. Tôi hỏi, anh bảo: “Anh nhìn xem chú là thế nào thôi”. Rồi anh giải thích, làm nghề bán hàng rong này phải biết quan sát. Liếc một cái là phải biết ngay đó là khách định mua hàng, là “ma mới” định tranh chỗ với mình.

Bà Trần Thị Thơm, người đã có thâm niên bán hàng rong 42 năm ở phố cổ Hà Nội

Bà Trần Thị Thơm, người đã có thâm niên bán hàng rong 42 năm ở phố cổ Hà Nội

Hỏi chuyện thêm, tôi mới biết vợ và ba con nhỏ của anh Hùng đang ở Hưng Yên, đều đang trong tuổi ăn học. Một tháng anh kiếm được 7-8 triệu đồng, tiền ăn ở sinh hoạt hết khoảng 3 triệu, còn bao nhiêu anh gửi về cho gia đình.

- Chú có biết bệnh tự kỷ chữa thế nào không? - bất chợt anh quay sang hỏi tôi.

- Sao anh lại hỏi thế? - tôi thắc mắc.

- Đứa thứ hai nhà anh nghịch lắm. Toàn tự gào toáng lên lúc cô giáo đang giảng bài. Không chịu nói chuyện với ai cả, nhiều lúc còn tự nhiên cào cấu bạn bè, nên bị cả lớp tẩy chay. Cô giáo bảo chắc là cháu bị mắc chứng tự kỷ, gia đình nên đưa đi chữa. Vậy chú biết chỗ nào chữa không? Hình như phải trị liệu tinh thần gì đó à?

- À, là trị liệu tâm lý, anh ạ… - tôi trả lời, rồi đọc cho anh một địa chỉ tôi biết. Anh không ghi lại vào giấy hay điện thoại mà chỉ gật gù nghe. Hình như anh đang muốn chia sẻ hơn là tìm sự giúp đỡ…

“Anh cảm ơn nhé. Này, cầm lấy mà ăn”, anh cười, dúi vào tay tôi thêm một chùm nhãn. Vị đắng chát trong nụ cười anh làm tôi quên mất nhãn ngọt thế nào.

“Gian dối, chiêu trò thì khó trụ được ở đất này”

Trời dần ngả về chiều, tôi lang thang tới những ngả đường khác.

Một người bán khoai rong tại khu vực bốt Hàng Đậu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vinh Phạm

Một người bán khoai rong tại khu vực bốt Hàng Đậu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vinh Phạm

Bước chân tôi dừng ở cuối phố Hàng Chiếu, đoạn qua Ô Quan Chưởng. Trước cửa một quán phở, một cụ bà ngồi bó gối trên nền gạch vỡ nham nhở, gương mặt trầm ngâm trong nắng chiều. Một vài sợi tóc bạc lộ ra dưới chiếc khăn mỏ quạ bà quàng trên đầu, được vuốt gọn ra sau vành tai.

Bên cạnh bà là một gánh hàng rong bán đủ mọi thứ nhu yếu phẩm: kéo, băng dính, găng tay, gương, lược, kim chỉ… Bà tên Trần Thị Thơm, quê Hưng Yên, năm nay 72 tuổi, bán hàng rong ở phố cổ đến nay đã 42 năm. Thu nhập một tháng của bà vào khoảng 3-4 triệu, cùng khoản bán ve chai 200.000 đồng/tháng. Như vậy là vừa đủ để trả tiền trọ 500.000 đồng/tháng và tiền ăn hai bữa một ngày.

Bà Thơm có hai người con, sáu người cháu và hai chắt. Con gái bà từng bán hàng ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), nhưng vì chồng ham mê cờ bạc nên phải bán nhà trả nợ rồi vào TPHCM làm lại từ đầu. Con trai bà làm nghề sửa điện thoại dạo, thu nhập bấp bênh, có tháng còn kém hơn cả mẹ.

Bà Thơm bảo, hơn 70 tuổi mà bà vẫn đi làm một phần vì... sợ chết. “Tôi thấy nhiều người họ hàng, bạn bè của mình tuổi già chỉ loanh quanh ở nhà, chả ra ngoài bao giờ, thế mà vẫn tai biến, ung thư rồi mất. Trong khi tôi ngày nào cũng đi hết chỗ này chỗ kia mà trộm vía khoẻ mạnh, chả bệnh tật gì!”

Hơn 4 thập kỷ bán hàng ở phố cổ, bà Thơm đã gặp đủ loại người. Có những người rất tốt. Họ sẵn sàng cho bà ngồi miễn phí trước cổng nhà họ để bán hàng. Họ mang nước uống, đồ ăn cho bà, rồi đứng ra nói đỡ để bà không bị thu mất hàng khi có công an tới dẹp.

Bà có cả những người “đồng nghiệp” thường xuyên nói chuyện, tâm sự, có gì ngon thì san sẻ cho nhau, sẵn sàng bỏ tiền túi ra giúp đỡ nhau, đi xa về luôn có quà… Nhưng cũng không thiếu những người không tử tế.

“Đợt COVID-19 hai năm trước, nhà nước phát tiền hỗ trợ, tôi không biết làm thủ tục, giấy tờ đi nhận nên nhờ hàng xóm cùng khu trọ làm rồi nhận hộ mình luôn. Đến giờ vẫn chưa thấy họ đưa lại…”, bà Thơm kể.

“Nhưng tôi kệ hết cậu ạ. Tuổi này chẳng muốn sân si gì nữa, chỉ cần một ngày đi làm bán được hàng, gặp bạn bè, tán chuyện cùng nhau, ăn với nhau bữa trưa thôi. Tôi nghiệm ra là chỉ có lao động cần cù, sống chan hoà, chân thành với người xung quanh thì mới bền được. Còn gian dối, chiêu trò thì không trụ được lâu ở cái đất này đâu”, bà Thơm nói.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm