Đi trên sông Sài Gòn, tới ngã ba sông mênh mang sương khói nơi phát tích câu ca “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, du khách thấy xa hiện lên một cù lao đẹp mà người ta thường gọi là “Hòn ngọc Mỹ Khánh”. Nhưng khác với đất trong bờ giá “sốt thực, sốt ảo” suốt thời gian vừa qua, cù lao Mỹ Khánh chìm trong cây dại mọc um tùm hoang vắng khác thường.
Ngủ quên
Người dân địa phương thường gọi cù lao Mỹ Khánh là doi Mỹ Khánh, thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Doi được mệnh danh “hòn ngọc của xứ Sài thành” vì Mỹ Khánh với diện tích hơn 300 ha được bao quanh bởi các dòng sông nối liền TPHCM với huyện Cần Giờ.
Bác Mười trước ao tôm bị bỏ hoang trên cù lao Mỹ Khánh. |
Những người dân ấp Bình Mỹ nói: “Cách đây vài chục năm, nhiều người thành phố thuê ghe đò ra doi Mỹ Khánh mua đất. Nghe nói nơi này sẽ được đầu tư, trở thành một hòn đảo đẹp? Nào ngờ, mãi chưa thấy cầu, không bến bãi… đảo ngọc nay hóa thành rừng”.
Vợ chồng anh Dũng ở gần bến phà hôm nay đánh ghe đi qua sông chặt dừa nước. Hỏi rừng ở đâu xa? Hóa ra rừng chính là “Đảo ngọc Mỹ Khánh”.
Chạy thuyền, đi ghe trên sông, nhìn vào cù lao chỉ thấy một màu xanh miên man, không bóng người. Chiếc cầu bắc ngang qua cù lao hãy còn dang dở. Kè sông mới hoàn thành một khúc đối diện bến phà bên này. Một dãy tòa nhà bị bỏ hoang, mưa gió làm sập quá nửa và không thấy bóng công nhân nào.
Bác Đủ chỉ vị trí diễn ra cuộc chiến đấu của bộ đội đặc công. |
Chúng tôi theo hai chiếc ghe vào rừng chặt lá dừa. “Mỗi người vào rừng chặt ròng rã một ngày thì được vài ba trăm cành dừa nước, chẻ đôi ra phơi, rồi chất lên thuyền. Mỗi thuyền được gọi là một “thiên”, giá bán ở ngay tại Cần Giờ chừng 800.000 đồng, nhưng qua tay thương lái, đến tay người làm nhà giá lên tới vài triệu bạc” - anh Dũng nói.
Vợ chồng anh Dũng cứ một tuần lại một ngày đánh ghe vào rừng chặt dừa nước. Họ bảo: “Ra sông giông gió, thuyền nhỏ mà dừa rất nặng, chìm ghe như chơi. Chúng tôi suốt ngày bán mặt cho sông, bán lưng cho sóng, chặt dừa chai cả tay mà chỉ mong đủ ăn là may”…
Chú Mười, ấp Bình Mỹ đánh ghe chở tôi vào thăm lại đầm tôm của gia đình tại doi Mỹ Khánh. Chiếc ghe cũ chạy phàng phàng vòng qua những khúc sông có biển đề “sạt lở nguy hiểm”. Chú nói: “Vài chục năm trước, phong trào nuôi tôm rộ lên, nhiều đại gia từ thành phố đổ xô về đây làm trang trại. Khi đó cánh đồng tôm rất đẹp. Còn bây giờ thì…”.
Nhà bác Đủ tan hoang sau cơn gió lốc. |
Ghe chúng tôi vòng ra sông lớn, đi cạnh những con tàu chở hàng khồng lồ cao chất ngất. Cuối cùng ghe áp vào trong bờ đảo ngọc. Trước mắt hiện ra vài ba chiếc lán trại xác xơ đều đóng cửa, không bóng người. Một anh chàng câu cá vẫy tay chào khi đột nhiên thấy các vị khách không mời.
Chú Mười bảo: “Người ta thường nói: Buôn có bạn, bán có phường. Giờ rất nhiều ao bỏ hoang, đường sá, bờ bao, kè hư hỏng, chuột rắn nhiều, không mấy ai còn dám đầu tư nuôi thủy sản lớn như trước nữa”.
Chú Mười dừng ghe trong bụi dừa nước. Chúng tôi cũng không thể tìm được bến để lên bờ, đành đứng trên đò chụp ảnh vào trong. Những dòng nước triều dâng bồi phủ phù sa làm cho rừng cây tươi tốt, mơn mởn.
Trong thời gian qua, lãnh đạo TPHCM và huyện Cần Giờ đã có nhiều cuộc làm việc nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của người dân doi Mỹ Khánh, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh. Chính quyền đã và đang tập trung đáp ứng mong muốn của người dân là xây dựng con đường mới nối liên các tổ để nhân dân đi lại thuận tiện; trang bị đò đạt chuẩn đưa rước học sinh và nhân dân; đầu tư bến thủy nội địa mở rộng giao thương, đầu tư để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản….
|
Chú Mười bảo: “Giờ ấp tôi đất chật người đông, việc làm rất thiếu. Hàng ngày tôi chạy ghe, ai thuê gì chở nấy. Ấy thế mà gia đình có miếng đất rộng ngoài cù lao này lại đành để hoang. Bụng muốn nuôi tôm lắm, nhưng xung quanh người ta bỏ hoang quá nhiều, mình muốn làm nông cũng không xoay chuyển được gì”.
Bác Phạm Văn Đủ 65 tuổi có lẽ là “chiến binh” bám trụ vững vàng trên đảo ngọc. Chung quanh hàng xóm chỉ dựng lều lán tạm, riêng bác chở gạch trong bờ ra xây hẳn hai ngôi nhà cấp 4 sát mép sông. Nước sông ngày ngày tràn vào sân. Tuy vậy, trên cù lao không có nước ngọt, bác vẫn phải hứng nước mưa vào chum vại và mua nước ngọt từ những chiếc ghe chạy ngang qua.
Bác Đủ vồn vã: “Chúng tôi sống biệt lập với bên ngoài. Muốn ra doi phải đi bằng đò. Trên cù lao cũng có đường nhưng dân cư mấy chục hộ quá thưa thớt, đường đi cỏ dại mọc um tùm, không ai dám đi”.
Bác Đủ dẫn tôi ra xem hai ao tôm của bác nuôi theo công nghệ lót bạt. Bác chỉ những rừng cây um tùm xung quanh, nói: “Quanh đây giờ mười ao thì tám ao bỏ hoang. Tôi nuôi tôm vất vả lắm, mỗi năm lời lãi đủ để chi phí sinh hoạt”.
Ký ức và tương lai
Bác Phạm Văn Đủ tâm sự: “Cù lao Mỹ Khánh này trước đây là nơi hoạt động của bộ đội đặc công rừng Sác. Gia đình chúng tôi ở cù lao từ trước năm 1975, chứng kiến một cuộc chiến đấu của bộ đội. Có hai anh bộ đội đã hy sinh trước mắt gia đình chúng tôi. Cách đây mấy năm, bộ đội về tìm hài cốt liệt sĩ, chính tôi đưa họ ra vị trí các anh hy sinh và tìm được hài cốt của cả hai anh”.
Theo bác Đủ, cuộc chiến đấu trên doi Mỹ Khánh diễn ra không cân sức. Hai bộ đội đặc công đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, không đầu hàng địch, dù lực lượng và hỏa lực địch hoàn toàn áp đảo. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Là người dân sống trên cù lao từ chiến tranh đến hòa bình, bác Phạm Văn Đủ nói với tôi: “Tôi mong ước cù lao Mỹ Khánh sẽ là nàng tiên thức giấc giữa rừng xanh, hóa thân trở thành hòn đảo đẹp như mong ước của bao người dân chúng tôi và của cả những người lính đặc công đã ngã xuống ở nơi này nữa!”.
Chúng tôi len lỏi trong rừng, rời khỏi doi Mỹ Khánh. Vợ chồng bác Đủ ra tận mép sông, vẫy chào chúng tôi cho đến khi chiếc ghe mất hút giữa dòng sông bát ngát.
(Còn nữa)
Theo Trần Nguyễn Anh (TPO)