Cuộc sống nay đây mai đó tưởng chỉ có ở nơi xa xôi, hóa ra lại có thể bắt gặp ngay ở những cánh rừng cao su già cỗi. Những phận đời trôi nổi từ muôn phương tìm về những rừng cao su chờ thanh lý. Dù bươn chải mưu sinh nhưng khát vọng vươn lên của người đi cạo mủ cao su vẫn chưa bao giờ dừng lại.
Chắt chiu dòng nhựa trắng
Tờ mờ sáng, chúng tôi theo anh Đặng Chí Tài (40 tuổi, quê An Giang) cùng một người thợ cạo khác mang theo dao cạo mủ cao su và một số vật dụng khác tiến vào rừng cao su thuộc xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). Men theo con đường đất đỏ nhỏ hẹp, “lặn mình” giữa màn sương ướt đẫm và dày đặc bao phủ đến được khu vực có hàng trăm hecta cao su đang chờ thanh lý, nơi những hàng cao su nối tiếp kết thành một vệt màu xanh dài tít tắp.
Nhiều em nhỏ đang độ tuổi đến trường phải theo cha mẹ vào rừng lao động kiếm sống |
Khu vực này có hàng trăm hecta cao su già cỗi đang được các chủ thầu “bao thu”, sau đó các hộ dân “thuê ngược” để vào cạo mủ. Trong đó, gia đình anh Tài thuê 2 hecta với giá mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Mủ tận thu vốn năng suất thấp và thời gian khai thác ngắn nên anh phải dốc sức cạo để “vắt kiệt” những dòng nhựa cuối cùng sót lại. Co người lại cho cho đỡ lạnh, người thợ cạo lành nghề bắt đầu ngày mới bằng công việc thường nhật giữa tinh sương. Anh buộc chặt lưỡi dao cạo vào cây gậy dài chừng 10m, đặt lại tô chén để chuẩn bị hứng mủ rồi nhấc bổng dao cạo, cắm lên thân cao su với lớp vỏ dày cộp, rắn chắc. Nhịp nhàng và uyển chuyển, người thợ cạo nhanh chóng tạo ra một đường cạo từ trên cao kéo xuống ngay miệng tô chén đang chờ những giọt mủ đầu tiên. Chừng vài phút, từng giọt mủ trắng xóa bắt đầu rỉ xuống và tứa ra mạnh mẽ phủ trắng đường dao cạo. Bỏ qua một vài cây gần kề, anh giải thích rằng vườn này cạo xen kẽ, nếu cạo liên tục cây sẽ kiệt mủ và khó phục hồi. Cứ vậy, người thợ cạo âm thầm đưa đường dao xả miệng cả trăm cây cao su lớn nhỏ. Âm thanh sột soạt phát ra từ những nhát dao sắc lẹm cũng là lúc những dòng mủ trắng tinh từ từ rỉ ra. Gần 2 giờ đồng hồ, sương mù và những giọt mồ hôi mặn đắng đổ xuống khiến chiếc áo của anh Tài ướt sũng.
Theo anh Tài, các vườn cây chờ thanh lý cho mủ không nhiều nên phải có kỹ thuật cạo điêu luyện mới “có ăn”. Nếu không nắm được các nguyên tắc, thợ cạo khó kiếm lời và thậm chí tay trắng nếu giá mủ xuống đáy. Với mỗi người thợ cạo cao su thanh lý thì kỹ năng phải thuần thục, nâng niu từng đường dao cũng như chắt chiu và trân trọng từng giọt mủ có được.
Cùng đi có anh Trần Văn Thạch (31 tuổi, quê Kiên Giang), từ bỏ nghề phụ hồ tại TPHCM lên đây tận thu mủ. Tay nghề của anh cũng khá thuần thục, trong chốc lát đã kịp “xử lý” xong phần cạo đươc giao. Vừa thu dao lại, anh Thạch vừa cho biết: “Công việc tự do và tương đối nhẹ nhàng. Tuy phải sống trong rừng, không ánh điện chiếu sáng nhưng bù lại không phải thuê nhà trọ, sinh hoạt giá thấp nên hàng tháng cũng dư dả và thu nhập cao hơn nhiều so với nghề phụ hồ gian khổ”.
Phiêu dạt giữa rừng
Khu vực những người thợ cạo sinh sống có hơn 20 hộ gia đình chen chúc trong những túp lều, căn chòi xiêu vẹo được dựng lên bằng bạt, trống trước hở sau. Tưởng chừng một cơn gió thoảng hay trận mưa rừng bất chợt cũng làm tung nóc những ngôi nhà tạm bợ này. Mỗi hộ gia đình có khoảng 2 đến 6 người, đủ già trẻ đến từ nhiều vùng quê nghèo thuộc các tỉnh lân cận. Các hộ dân đều có cuộc sống khó khăn, không nghề nghiệp ổn định nên tìm đến vườn cao su để mưu sinh. Họ thuê lại vườn chừng 3 đến 6 tháng với giá mỗi hecta từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Sau khi tận thu sẽ rời đi nơi khác để tiếp tục cuộc sống. Các hộ dân ví von rằng, cuộc đời con người nơi đây là những chuyến đi. Hễ nơi đâu có cao su thanh lý là họ có mặt và sau khi tận thu lại cùng chủ thầu kéo đến vùng đất mới.
Theo anh Phạm Văn Phước (39 tuổi, gốc Tây Ninh) thì nghề tận thu cao su có lúc gặp vào hoàn cảnh trớ trêu bởi không ít hộ gia đình bị chủ thầu “xỏ mũi”. Mặc dù với thâm niên 10 năm theo chân các thầu thuê các vườn cao su già cỗi khắp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước nhưng vợ chồng anh đã không ít lần cay đắng khi bị các ông bầu cho thuê vườn cao su với giá ngất ngưởng nhưng chất lượng mủ hạng bét. Người tận thu mủ còn bị chủ thầu với vô vàn kiểu ép, không chịu nổi nên đành bỏ ngang trong cay đắng. Mưa dông, gió lốc triền miên nên các tay cạo cũng thường xuyên “bẻ dao” khiến thu nhập vô cùng bấp bênh. Quanh năm sống trong rừng thẳm nên vợ anh bị sốt xuất huyết phải điều trị dài ngày ở bệnh viện, hai con còn nhỏ không phụ giúp được nhiều. Trong khi đó, chiếc lều tạm bợ của gia đình thường bị phá tan mỗi lần dông bão kéo về. Còn vợ chồng chị Trần Thị Mỹ Hạnh (37 tuổi, quê Kiên Giang) cũng đã 3 năm nay chấp nhận rong ruổi trong những tán rừng cao su khắp các tỉnh. Kinh tế có khá hơn chút đỉnh nhưng sức khỏe thì suy kiệt vì sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, nguy cơ nhiễm bệnh từ rừng hoang nước độc là khó tránh khỏi.
Cuộc sống phiêu bạt phải thường xuyên rong ruổi trong rừng, do vậy, chính quyền địa phương chỉ có thể hỗ trợ công tác đăng ký tạm trú, mọi quyền lợi về an sinh xã hội đều không được đảm bảo do không đáp ứng đủ các điều kiện tại địa phương. Đi cùng các hộ gia đình có không ít các em nhỏ đang độ tuổi đến trường nhưng phải bươn chải với những khó khăn chồng chất. Nỗi lo thất học và mù chữ theo kiểu “đời con lặp lại đời cha” đang hiện hữu, khi từng ngày các em buộc phải “bám càng” để cha mẹ hiện thực hóa giấc mơ đổi đời trong những cánh rừng xa thẳm.
|
Hoàng Bắc (sggp)