Nhà chức trách nêu rõ thị trường chứng khoán Philippines đóng cửa từ ngày 17/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo để bảo đảm an toàn cho các nhân viên và các nhà giao dịch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg) |
Thị trường chứng khoán Philippines đã chính thức đóng cửa vô thời hạn từ ngày 17/3.
Philipines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường chứng khoán do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Nhà chức trách nêu rõ thị trường chứng khoán Philippines đóng cửa từ ngày 17/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo để bảo đảm an toàn cho các nhân viên và các nhà giao dịch.
Trong khi đó, các giao dịch tiền tệ và trái phiếu cũng tạm dừng tới ngày 18/3.
Trước đó, thị trường chứng khoán Philippines đã sụt giảm 8% trong ngày 16/3 và 20% kể từ đầu tháng Ba tới nay, mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008.
Động thái trên được đưa ra sau khi một số thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã phải đóng cửa các sàn giao dịch hoặc tạm ngừng giao dịch sau những cú giảm sâu của các chỉ số chứng khoán chủ chốt.
Mặc dù vì lý do y tế, song việc Philippines đóng cửa thị trường chứng khoán làm dấy lên khả năng các nước khác cũng "nối gót" theo.
Hồi tuần trước, Tập đoàn CME đã đóng cửa sàn giao dịch tại thành phố Chicago của Mỹ nhằm giảm thiểu tụ tập đông người.
Các thị trường chứng khoán ở Trung Đông cũng triển khai các biện pháp tương tự, mặc dù giao dịch điện tử vẫn hoạt động.
Sàn giao dịch chứng khoán ở Kuwait đã ngừng giao dịch ít nhất 2 lần trong tháng này, sau khi các chỉ số chủ lực trong ngày mất hơn 10% giá trị, đà lao dốc cũng khiến công cụ ngắt mạch tự động được kích hoạt ở thị trường chứng khoán Jakarta (Indonesia) khi chỉ số chủ lực giảm 5%.
Trong ngày 16/3, phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã bị tạm dừng 15 phút ngay sau khi mở cửa khi đà giảm 8% của S&P 500 đã kích hoạt cơ chế "ngắt" tự động. Đây là lần thứ ba kể từ tuần trước cơ chế này bị kích hoạt.
Trong khi đó, sàn giao dịch chứng khoán Sao Paulo của Brazil cùng ngày cũng phải tạm ngừng giao dịch 30 phút vào đầu phiên khi các chỉ số chứng khoán lao dốc hơn 12%.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan dự kiến đầu tư hơn 65% Quỹ siêu tiết kiệm (SSF) vào các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan, đồng thời sẽ cung cấp lợi ích thuế tốt hơn để thu hút đầu tư công vào SSF nhằm khôi phục niềm tin thị trường vốn.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Ngân hàng Kasikorn Thái Lan dự báo giá đồng Bạt sẽ ở mức từ 31,50-32 baht/USD trong tuần từ ngày 16-20/3 trước tác động từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đối với Mỹ và các nước châu Âu.
Đồng tiền này đã chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua ở mức 32,09 baht/USD.
Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch cũng đã gây áp lực lên các cổ phiếu tại Thái Lan.
Chứng khoán Thái Lan đã sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2006, với chỉ số SET đóng cửa cuối tuần qua ở mức 1.128,91 điểm, giảm 17,27%.
Các nhà đầu tư là tập đoàn đa quốc gia đã bán tháo 4,6 tỷ baht, các nhà môi giới bán 4,07 tỷ baht và các nhà đầu tư nước ngoài bán ở mức 1,9 tỷ baht.
Cũng trong ngày 17/3, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng SCB (EIC - Thái Lan) dự báo tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại do nền kinh tế Trung Quốc và các nước lớn tại khu vực Liên minh châu Âu suy yếu trước tác động của đại dịch COVID-19.
Đối với Thái Lan, EIC đánh giá kinh tế nước này sẽ suy thoái trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, theo đó tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm ở mức âm 0,3%.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, mức dự báo được đưa ra là 1,8%.
Theo Phương Oanh-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)