Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Phó Giám đốc Sở Y tế: "Vận động người dân tham gia phòng-chống sốt xuất huyết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Tính đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc sốt xuất huyết (SXH) và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch. P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUẤN-Phó Giám đốc Sở Y tế về thực trạng cũng như giải pháp khống chế SXH.

* P.V: Xin bác sĩ cho biết tình hình SXH trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
 

 

- Bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 965 trường hợp mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 thì số người mắc giảm hơn 1.000 trường hợp. 121 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã và TP. Pleiku có người mắc SXH. Thành phố Pleiku dẫn đầu về số lượng người mắc SXH với 209 ca, huyện Phú Thiện xếp thứ 2 với 197 người mắc, huyện Chư Prông xếp thứ 3 với số người mắc là 95. Bắt đầu từ đầu tháng 7-2017, nhiều huyện có số bệnh nhân mắc SXH gia tăng như: Phú Thiện, Chư Prông, Đức Cơ…

* P.V: Nguyên nhân SXH gia tăng thời gian qua là gì, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh SXH còn dai dẳng ở tỉnh ta.

Thứ nhất, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành nên 200/222 xã, phường, thị trấn của tỉnh thường có người mắc SXH. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lưu hành 3 chủng SXH là DEN-1, DEN-2 và DEN-4. Những năm trước, bệnh nhân mắc SXH chủ yếu là chủng DEN-1 và DEN-2, riêng từ đầu năm đến nay phát hiện thêm nhiều bệnh nhân mắc chủng DEN-4 nên một người có thể mắc SXH nhiều lần.

Thứ hai là do điều kiện khí hậu nóng lạnh thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Nếu nhiệt độ môi trường ở mức dưới 25oC hoặc mưa lớn liên tục trong vòng nhiều tuần thì lăng quăng/bọ gậy không thể sinh trưởng gây bệnh SXH cho người.

Thứ ba là do điều kiện môi trường ở nhiều địa phương không đảm bảo, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng gây bệnh SXH. Người dân còn chưa ý thức đầy đủ tác hại của SXH và chủ quan không dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh. Chúng tôi vừa cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra và điều tra véc tơ SXH tại một số huyện và nhận thấy, tại các huyện: Phú Thiện, Chư Prông, Đức Cơ… mật độ muỗi rất cao, lăng quăng rất nhiều. Bên cạnh đó là sự vào cuộc chưa quyết liệt của chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể và sự chủ quan của không ít cán bộ, nhân viên ngành Y tế dẫn đến bệnh dịch SXH kéo dài, lan rộng.


 

Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ở Ia Grai. Ảnh: Hoành Sơn
Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ở Ia Grai. Ảnh: Hoành Sơn

* P.V: Ngành Y tế đã triển khai biện pháp gì để phòng-chống SXH, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã và TP. Pleiku quyết liệt triển khai phòng-chống dịch bệnh, nhất là SXH; tổ chức mít tinh phòng-chống SXH tại các địa phương; giám sát dịch tễ tại các vùng lưu hành SXH; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý SXH cho cán bộ y tế, nhân viên, người dân về phát hiện ổ dịch, xử lý lăng quăng... Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tự phòng-chống SXH.

Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã cấp gần 400 lít hóa chất để các huyện, thị xã, thành phố xử lý dịch SXH. Tổ chức xử lý 263 ổ dịch SXH nhỏ tại 121 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Tuyên truyền trực tiếp cho 120 hộ và 8 buổi nói chuyện về các biện pháp phòng-chống SXH. Tổ chức 3 đoàn công tác giám sát và hỗ trợ dập dịch SXH tại các địa phương có số người mắc cao.

Trước tình trạng SXH gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời, huy động toàn xã hội cùng tham gia phòng-chống. Tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền vận động người dân tự dọn vệ sinh môi trường, khơi mương, lật úp các vật dụng phế thải, ngủ màn để phòng tránh bệnh SXH. Đặc biệt, Sở Y tế có văn bản về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng-chống SXH và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Trung tâm Y tế. Nếu huyện, thị xã, thành phố nào để SXH gia tăng nhanh phải chịu trách nhiệm trước Sở Y tế.

* P.V: Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân về bệnh SXH?

- Bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Bệnh SXH rất nguy hiểm, có thể gây chết người nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi nhận thấy có những dấu hiệu mắc SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán bệnh và điều trị. Để việc phòng-chống SXH đạt hiệu quả, người dân cần tự phòng bệnh. Quan trọng nhất là thường xuyên dọn vệ sinh môi trường xung quanh. Phun hóa chất chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành, chứ không diệt được hết lăng quăng mang mầm bệnh SXH. Sau phun hóa chất, lăng quăng sẽ tiếp tục sinh trưởng và gây bệnh SXH cho người.

* P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Hoành Sơn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm