Phóng sự - Ký sự

Phố - làng, đều dang dở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những con đường lởm chởm bụi đá. Những căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm trơ trọi giữa khu đất rộng lớn bỏ hoang. Gần 20 năm, kể từ ngày xuất hiện trên thị trường bất động sản, nhiều dự án trong Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) vẫn chưa thể thành khu đô thị đúng nghĩa.

 

Dù là khu đô thị nhưng những con đường giao thông, vẫn mang đậm dáng dấp làng quê.Ảnh: V.L
Dù là khu đô thị nhưng những con đường giao thông, vẫn mang đậm dáng dấp làng quê. Ảnh: V.L


Làm nông trong “đô thị”

Nhà ông Nguyễn Thanh nằm bên con đường rộng 5,5m chạy cắt ngang khu dân cư liên thông khu đô thị số 7B phường Điện Ngọc (Điện Bàn). Khoảng 18 năm trước nơi đây là nổng cát trồng khoai của người dân khối phố Hà Dừa (phường Điện Ngọc).

Nói là khu đô thị nhưng đếm quanh xóm chỉ chừng 10 nóc nhà cũ, còn lại là bãi cát được người dân tận dụng trồng rau đậu hoặc chăn thả bò.

Con gái ông Nguyễn Thanh, bà Nguyễn Thị Ba ngồi tỉ mẩn lựa từng hạt đậu phụng hư bên vệ đường. Đây là thành quả của mấy tháng trời gieo trồng trên bãi cát trống trước nhà.

“Hồi trước nhà cha tôi ở ngoài kia, nhưng rồi giải tỏa ra đây, bồi thường thấp, tiền không đủ làm lại căn nhà cấp 4. Nhưng bù lại chỗ ni làm ăn được vì đất trống nhiều. Tôi trồng đậu, trồng ớt, trồng rau quanh năm. Cứ làm bao giờ dự án lấy đất lại thì thôi, mà cũng mười mấy năm rồi tôi có thấy ai nói chi đâu” - bà Ba nói.

Cách đó không xa, ông Đinh Hải (tổ 4, khối phố Hà Dừa, Điện Ngọc) cùng 3 phụ nữ nhổ những bụi hoa cúc gom lại từng bó lớn chờ thương lái đến thu mua. Vạt đất này được ông tận dụng từ 13 năm trước, hoa lợi mang lại giúp nuôi sống gia đình.

“Tôi thấy họ bỏ đất trống mười mấy năm rồi, ai thích chọn miếng nào làm cũng được. Nói chung nhờ rứa mà bà con đây cũng kiếm được đồng ra đồng vô hàng ngày” - ông Hải cho biết.

Khi xưa ông Hải làm thợ hồ, nhờ có khu đô thị mà ông có thêm nghề trồng hoa cúng. Nghề trồng hoa mang lại cho gia đình ông Hải thu nhập đủ sống.

Buổi chiều đứng giữa “khu đô thị” ngỡ như đang ở một bãi biền làng quê nào; những vạt hoa cúc, vạn thọ khoe sắc, tiếng người rôm rả chuyện trò. Đối với ông Hải, đô thị hay làng quê cũng vậy, mỗi ngày ông vẫn phải ra bãi nhổ cỏ, tưới nước cho hoa.

“Cứ nghe nói đô thị mới cũ này nọ, chứ phố hay quê tôi thấy cũng chẳng có gì khác nhau, ở đâu cũng phải làm ăn, mà nông dân như tụi tôi không có đất lấy gì cày xới” - ông Hải nói.

Chờ cuộc trở mình

Năm 2003 dự án Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hình thành. Theo quy hoạch ban đầu toàn khu có tổng diện tích khoảng 2.700ha, nay thuộc các phường Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc, Điện Dương. Phía bắc giáp TP.Đà Nẵng, phía nam giáp TP.Hội An, phía đông ôm con sông Cổ Cò chạy ra đến biển, phía tây giáp trục đường 607 nối TP.Đà Nẵng - Hội An.

Từ TP.Đà Nẵng chạy theo đường Trần Đại Nghĩa vào TP.Hội An, ngang qua thị xã Điện Bàn, chỉ cần rẽ trái vào những con đường ngoằn ngoèo nhỏ bé dễ dàng thấy hàng chục dự án bất động sản - các khu đô thị nằm xen kẽ trong các thôn xóm. Đến năm 2022, còn 70 dự án chưa đủ điều kiện để giao dịch.

Tiếng là khu đô thị nhưng nhà cửa chẳng mọc lên bao nhiêu, chỉ thấy cỏ mọc hoang, trở thành nơi chăn thả bò lý tưởng cho vài hộ dân xung quanh. Không ít “khu đô thị” vào mùa mưa nước ngập bao vây.

Những ngôi làng cũ dường như vẫn như xưa, đời sống, sinh kế người dân không có nhiều thay đổi. Ngược lại, những con đường ngày càng xuống cấp, ngổn ngang, chắp vá, nắng bụi mưa bùn do hạ tầng không thể khớp nối với nhau.

Tại vài nơi, vài dự án quá trình đô thị đã làm phát sinh mâu thuẫn trong giải tỏa bồi thường do chênh lệch giá so với thị trường khiến không ít dự án giẫm chậm tại chỗ, không hiếm vụ việc kéo dài nhiều năm liền.

Đơn cử, tại phường Điện Dương, tính đến năm 2022 có khoảng hơn 60 dự án bất động sản, hầu hết vướng giải tỏa bồi thường. Ông Đặng Ngọc Phi (tổ 28, thôn Hà Quảng Đông, phường Điện Dương) cho biết, gia đình ông có gần 1.600m2 đất thổ cư được chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại VN Đà Thành đổi bằng 3 lô đất ở (diện tích khoảng 450m2), quá rẻ khiến ông Phi và gia đình không đồng tình.

Hơn 2 năm nay, chủ đầu tư đã nhiều lần đến thương lượng với gia đình ông Phi nhưng đều không thành. Trên diện tích đất của mình ông trồng sắn, hoa màu và chờ được bồi thường xứng đáng.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận, nút thắt chính để các dự án nhanh chóng triển khai nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Chỉ cần tháo gỡ được vấn đề này thì mọi việc suôn sẻ. Tuy vậy, vướng mắc hiện nay lại là mức giá bồi thường, mà điều này thì liên quan đến nhiều cấp, ngành.

Chưa kể, tại một số dự án dù đã hoàn chỉnh hạ tầng nhưng mật độ dân cư thưa thớt do hầu hết đất được mua theo hướng đầu cơ chờ lên giá nên khiến đô thị vắng vẻ, thiếu sinh khí. Phát triển đô thị, phát triển xã hội là điều ai cũng mong muốn, nhưng phải hài hòa và mang lại sinh kế, lợi ích cho người dân, khi đó câu chuyện làng hay phố mới có thể được giải đáp ổn thỏa.

Theo VĨNH LỘC (QNO)

Có thể bạn quan tâm