(GLO)- Ngày càng nhiều gia đình tại Nhật Bản chọn phong cách sống tối giản (danshari) để giảm bớt sự lệ thuộc về vật chất. Phong cách sống này cũng đã lan dần sang các nước phương Tây bởi nhờ đó họ cảm thấy hạnh phúc hơn với quan niệm “Ít tức là nhiều hơn”.
Một căn phòng điển hình của người theo phong cách sống tối giản. Ảnh: Internet |
Hẳn rất nhiều người trong chúng ta thích mua sắm đồ đạc để thể hiện phong cách, bản sắc cá nhân. Không ít người nghiện mua sắm, thậm chí xem đó là việc… giải sầu. Vì thế, ta mang về nhà rất nhiều đồ đạc, trong đó có không ít món đồ hiếm khi dùng đến; có những chiếc áo chưa mặc lần nào đã thấy chán, có những món đồ phải vung tiền ra rất nhiều để mua về nhưng không bao giờ dùng hết chức năng… Chưa kể, nhiều người lớn tuổi vẫn bị ám ảnh bởi sự đói kém, thiếu thốn thời đất nước còn khó khăn nên có thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm, vật dụng các loại. Cuối cùng, ngôi nhà trở nên lỉnh kỉnh đồ đạc và chủ nhân phải mất rất nhiều thời gian mỗi khi dọn dẹp.
Phong cách sống tối giản thì hoàn toàn ngược lại. Bước vào căn phòng của những người theo phong cách này, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi đồ đạc ở đây rất ít, chỉ vừa đủ dùng. Phòng khách không có những bộ bàn ghế đồ sộ mà rất giản đơn, thậm chí chỉ vài tấm thảm ngồi xem tivi; trong tủ chỉ vài bộ đồ đi làm, đi chơi…; trên kệ bếp, dụng cụ làm bếp được giản lược đến mức thấp nhất… Chủ nhân của những ngôi nhà theo phong cách này định hướng rất rõ ràng: Không mang những vật dụng không cần thiết về nhà, vứt bỏ những thứ không cần sử dụng và tránh xa cám dỗ mua sắm vật chất không thật sự cần thiết. Lợi ích của danshari là giải phóng bản thân khỏi việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, tiết kiệm tiền mua sắm vật dụng…, nhưng cái lớn hơn cả là giải phóng con người khỏi áp lực, sự ám ảnh của vật chất trong cuộc sống hiện đại.
Một người theo đuổi phong cách sống tối giản đã rất có lý khi nói rằng anh không khuyên những người xung quanh vứt hết đồ đạc và… dời lên núi sống bởi đó không phải là điều khôn ngoan, nhưng có thể lược bỏ những thứ không cần thiết. Những nghiên cứu về hạnh phúc đều cho thấy, con người hạnh phúc hơn nhiều từ những trải nghiệm cuộc sống so với việc sở hữu vật chất; và ta sẽ được lợi nhiều hơn nếu đầu tư vào những mối quan hệ xung quanh thay vì những vật dụng ta sở hữu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ chính là sự mất mát về vật chất. Vậy thì, phong cách sống tối giản cũng sẽ giúp con người loại bỏ stress vì sự mất mát và nỗ lực để giữ gìn những vật chất ta đã sở hữu. Cũng nhờ đó, ta tiết kiệm tiền (tất nhiên, cần hiểu rằng tối giản không có nghĩa là hà tiện).
Nhiều người còn nhận ra rằng: Một căn phòng danshari gọn ghẽ cũng như một bộ óc được “refresh” (làm tươi mới lại) để có chỗ tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ. Vì thế, danshari không chỉ có nghĩa là giản lược đồ đạc mà còn là giải thoát con người khỏi những suy nghĩ cũ chật, tù túng hay những định kiến để vươn đến sự tự do. Đó chính là nền tảng của triết lý “Ít tức là nhiều hơn”.
Dĩ nhiên, không đơn giản để ngay lập tức từ bỏ phong cách sống lâu nay để theo đuổi phong cách sống tối giản, bởi sở hữu đã là bản năng của con người, bởi vật chất được sản xuất ra là để phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. Nhưng cũng không quá khó, chỉ cần “biết đủ là đủ”. Một người bạn của người viết bài này, khi vừa dứt câu chuyện bàn về danshari đã nhanh chóng đứng lên và nói: “Mình sẽ về nhà dọn bớt đồ đem cho những người cần dùng. Tủ quần áo bây giờ đã không còn chỗ chứa, căn nhà thì bề bộn vì những thứ đồ đạc lâu nay cứ tiếc mà không muốn bỏ đi, mỗi lần dọn dẹp đúng là ác mộng!”.
Vậy thì, sao ta không bớt phù phiếm đi một chút, cởi bỏ gánh nặng về vật chất đi một chút, “sống đơn giản cho đời thanh thản”, như câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ hiện nay?
Lam Nguyên