Thời sự - Bình luận

Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực: “Ai không làm thì đứng sang một bên”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đấu tranh phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là để bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong sạch và mạnh lên, chứ không phải để cho những người có tư tưởng cầu an tiêu cực bàn lùi, trốn tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng. Vì thế, tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh hôm 19-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã bày tỏ thái độ dứt khoát: “Ai không làm thì đứng sang một bên, để người khác làm”.

Sở dĩ người đứng đầu Đảng ta phải nhắc lại câu nói này khi đề cập nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh là bởi thời gian qua có không ít ý kiến cho rằng, cuộc đấu tranh PCTN do Đảng ta khởi xướng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã khiến không khí làm việc của bộ máy công quyền chùng xuống khi nhiều cán bộ sợ sai, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa”…

Một năm qua, cùng với kết quả điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trực tiếp theo dõi, chỉ đạo với nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng, bị pháp luật trừng trị thì việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh cũng đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cái gì cũng đùn đẩy lên trung ương. Trong khi trên thực tế, hành vi tham nhũng nghiêm trọng phần lớn được bắt đầu từ những hành vi tham nhũng vặt, tham nhũng có giá trị vật chất không lớn ở cơ sở, nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, lâu dần trở thành sai phạm có hệ thống, quan hệ chằng chịt với đủ thủ đoạn tinh vi, ma mãnh.

Vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là một trong những giải pháp căn cơ và hữu hiệu để mở rộng phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, đáp ứng yêu cầu sát với thực tiễn địa phương, tạo ra bước tiến quan trọng, đưa cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực lên một tầng nấc mới theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Thực tế đã trả lời, sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, tiêu cực. Các địa phương đã khởi tố 530 vụ án với 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021. Số vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn. Trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, gồm cả nguyên bí thư, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở, bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện. Việc xử lý tội phạm tham nhũng không còn “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây. Kết quả này cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và người dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Đất nước đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tội phạm tham nhũng cũng mang sắc thái mới với những chiêu trò mới tinh vi hơn. Vì vậy, cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí cần phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, “ai không làm thì đứng sang một bên”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy, đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, nêu cao lý tưởng phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước, “phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Không ai mong muốn anh em, đồng chí mình bị kỷ luật, bị tra tay vào còng. Nhưng vì sự trong sạch của Đảng, vì sự lớn mạnh của đất nước, hạnh phúc của Nhân dân, đó là cuộc đấu tranh không thể bàn lùi. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chặt cành sâu để giữ cây”, “đốn một cái cây sâu bệnh để giữ cả khu rừng”. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh không thể chỉ thành lập cho có, mà phải hoạt động thực sự hiệu quả. Đó là cách để cuộc đấu tranh đầy cam go này được “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Bởi ai cũng biết, hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN sẽ góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân vào Đảng, để dân tin, dân theo Đảng. Đó còn là bằng chứng sinh động làm thất bại mọi toan tính hòng phủ nhận cuộc đấu tranh PCTN và sâu xa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể bạn quan tâm