Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Đồng chủ trì hội nghị có ông Trịnh Đình Dũng-Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; ông Nguyễn Xuân Cường-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về phòng-chống thiên tai tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về phòng, chống thiên tai tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ở nước ta, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng, miền cả nước. Năm 2019, cả nước xảy ra 16/21 loại hình thiên tai; có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…Thiên tai đã làm 33 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng (giảm thiệt hại 17.000 tỷ đồng, giảm 91 người chết, mất tích so với năm 2018).
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất... Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 căn nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Gió lốc làm tốc mái nhà dân ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Gió lốc làm tốc mái nhà dân ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đều có hướng dẫn đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo; 1.057 tấn giống các loại; 350.000 liều vắc xin, 27.000 lít và 105 tấn hoá chất khử trùng phòng-chống dịch bệnh... Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tại tỉnh Gia Lai, năm 2019, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 500 tỷ đồng và làm 4 người chết. Cụ thể, thiệt hại do hạn hán ước khoảng 449,4 tỷ đồng (hơn 1.335 ha cây trồng vụ Đông Xuân bị hạn, thiệt hại 16,6 tỷ đồng; hơn 20.800 ha cây trồng vụ mùa bị hạn, thiệt hại 432,8 tỷ đồng); thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, dông, lốc, sét hơn 50,6 tỷ đồng, 4 người chết. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm hơn 2.875 ha cây trồng vụ Đông Xuân bị hạn, ước thiệt hại khoảng 53,2 tỷ đồng; tình hình mưa, dông, lốc làm thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng và thiệt hại về nông nghiệp khoảng 4,8 tỷ đồng.
Lúa Đông Xuân thiếu nước bị cháy khô. Ảnh: Lê Nam
Lúa Đông Xuân thiếu nước bị cháy khô. Ảnh: Lê Nam
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách còn bất cập hoặc thực hiện còn ở mức độ thấp; công tác khắc phục hậu quả còn chậm, một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm trễ, lúng túng, hiệu quả chưa cao; trong dự báo cần phải nâng cao độ chính xác; công tác tuyên truyền chưa được tốt, nhất là vùng sâu, vùng xa; phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, dẫn tới nhiều tình huống có lực lượng nhưng không thể cứu hộ, cứu nạn, tiếp cận địa bàn chậm,  thời gian kéo dài... 
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong phòng, chống thiên tai phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo dự báo năm 2020 thời tiết có nhiều bất thường, có 11-13 cơn bão. Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai. Theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến sát tình hình không được chủ quan ở bất cứ cấp nào. Chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời có hiệu quả trong phòng, chống thiên tai. Nâng cao chất lượng trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với tinh thần “4 tại chỗ”. Khẩn trương kiểm ra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tàu thuyền neo đậu trú tránh bão... 
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm