Phong trào lân-sư-rồng: Từng bước vươn đến chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào lân-sư-rồng ở Phố núi phát triển rầm rộ, xuất hiện không chỉ vào dịp lễ, Tết mà còn “phủ sóng” khắp các sự kiện khai trương, động thổ, khánh thành… lớn nhỏ. Ngày càng có nhiều đội lân-sư-rồng được đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục cho đến kỹ thuật biểu diễn.     

Xuất phát từ đam mê

Bất cứ một môn nghệ thuật nào cũng đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê, với lân-sư-rồng cũng vậy. Nếu không có đủ đam mê, hẳn sẽ có nhiều người nhanh chóng bỏ cuộc. Ngoài sự khéo léo, lân-sư-rồng đòi hỏi người chơi phải có một thể lực tốt, sự cẩn thận, kiên nhẫn và tập luyện bền bỉ. Bắt đầu niềm đam mê của mình với chiếc đầu lân được cha mua cho vào dịp Tết Trung thu năm 3 tuổi, giờ đây bạn Trần Xuân Ngọc-23 tuổi-đã trở thành Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lân-Sư-Rồng Ngọc Phúc (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2012 chỉ với 15 thành viên, 2 đầu lân và 1 chiếc trống. Sau khi chiêu mộ thêm thành viên và từng bước nâng cao chất lượng, CLB lân-sư-rồng Ngọc Phúc đã có 35 thành viên với đầy đủ trang phục, đầu lân, rồng và trống đủ để phục vụ những lễ hội có quy mô lớn. “Hiện tại, CLB có 3 huấn luyện viên về Lân-Sư-Rồng chuyên nghiệp, thường được mời làm trọng tài tại các giải thi đấu ở khắp các tỉnh thành. Vì thế, các thành viên khi tham gia CLB luôn được đào tạo, huấn luyện kỹ thuật biểu diễn bài bản, các bài múa cũng được cập nhật và nâng cao hơn”-Trần Xuân Ngọc chia sẻ.

 

Câu lạc bộ Lân-Sư-Rồng Ngọc Phúc biểu diễn phục vụ Đêm hội Trăng Rằm Tháng Tám tại Nhà Thiếu nhi tỉnh vào ngày 1-10 vừa qua. Ảnh: P.L
Câu lạc bộ Lân-Sư-Rồng Ngọc Phúc biểu diễn phục vụ Đêm hội Trăng Rằm Tháng Tám tại Nhà Thiếu nhi tỉnh vào ngày 1-10 vừa qua. Ảnh: P.L

Với bạn trẻ Trương Đình Hoàng (23 tuổi, đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku), múa lân không chỉ là niềm yêu thích mà còn là sự say mê. Đình Hoàng tâm sự: “Từ khi còn nhỏ, mình đã cùng các anh trong xóm cùng biểu diễn lân và ấp ủ dự định sau này sẽ thành lập một đội lân của riêng mình. Đến năm 2010, mình tập hợp một số bạn nhỏ trong xóm và tập luyện. Đội lân 65 được hình thành từ khi đó”. Ban đầu, Đội lân 65 của Hoàng chỉ vỏn vẹn hơn 10 thành viên, đạo cụ, trang phục biểu diễn khá sơ sài. Đến giờ, số thành viên của đội đã nâng lên thành 40 người, có kỹ thuật nhuần nhuyễn và đầy đủ mọi đạo cụ từ dàn trống, đầu lân, rồng, trang phục… để phục vụ cho việc biểu diễn.

Từ quy mô nhỏ lẻ, Đội lân 65, CLB Lân-Sư-Rồng Ngọc Phúc… giờ đã trở thành những đội lân được nhiều người biết đến và rất đắt show ở Phố núi.

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Trong quá trình duy trì và phát triển, các CLB, đội lân-sư-rồng luôn chú trọng đến việc phải làm thế nào để ngày càng mở rộng quy mô, tăng tính chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp được thể hiện ở số lượng thành viên đông đảo, có kỹ thuật biểu diễn tốt ở mọi loại hình lân, sư, rồng. Trang phục, đạo cụ không chỉ đầy đủ mà còn phải luôn mới mẻ, có thẩm mỹ nhằm tạo ấn tượng cho người xem. Khi nhu cầu thuê múa lân-sư-rồng ở các lễ động thổ, khai trương, khánh thành… ngày càng tăng, các đội lân cũng phải tự mình hoàn thiện để đạt đến sự chuyên nghiệp nhằm cạnh tranh và đứng vững.

Đội trưởng Đội lân 65 Trương Đình Hoàng cho hay: “Trong tất cả các kỹ thuật múa thì việc làm thế nào để cho con lân có hồn là khó nhất. Chỉ từ chiếc đầu lân vô tri nhưng người cầm lân phải thể hiện được tâm trạng buồn, vui, phấn khích, say rượu… thì mới đạt. Lúc mới thành lập, để từng bước nâng cao kỹ thuật cho các thành viên trong đội, mình đã thuê các thành viên của đoàn Hoàng Anh Đường (TP. Hồ Chí Minh) về hướng dẫn tập luyện. Sau này, mình còn mời một số đoàn lân-sư-rồng ở các địa phương có môn nghệ thuật này phát triển về để tập huấn thêm, nâng cao kỹ thuật cho anh em”. Không chỉ đầu tư về kỹ thuật, Đội lân 65 còn đầu tư kỹ càng về trang phục. Cứ mỗi mùa Trung thu đến, đội lại thay toàn bộ đầu lân, trang phục, cập nhật theo xu hướng mới nhất để đáp ứng thị hiếu của người dân. Với sự đầu tư kỹ càng như vậy, mỗi mùa Trung thu, Đội lân 65 luôn kín lịch diễn, thu nhập từ 120-140 triệu đồng. Ngoài ra, Đội lân 65 còn nhận được show biểu diễn quanh năm, đủ để tăng thêm thu nhập cho các thành viên trong đội.

Câu lạc bộ Lân-Sư-Rồng Ngọc Phúc cũng ngày càng nhận được nhiều lời mời biểu diễn, đặc biệt trong tháng Trung thu, các đơn vị muốn thuê thường phải đặt hàng trước CLB mới sắp xếp được lịch diễn. Xuân Ngọc bày tỏ: “Những năm gần đây, người dân trên địa bàn TP. Pleiku đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến nghệ thuật lân-sư-rồng và thường xuyên mời các đội lân trên địa bàn đến biểu diễn thay vì mời từ các tỉnh, thành khác. Đó chính là động lực để cho mình và các thành viên trong đội nỗ lực tập luyện hơn nữa, luôn làm mới mình để tạo được niềm tin cũng như sự ủng hộ của người dân”.

Vừa qua, sự ra mắt của CLB Lân-Sư-Rồng Nhân Nghĩa Đường Gia Lai (đường Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku) cũng đã góp thêm sắc màu vào phong trào lân-sư-rồng ở Phố núi. Đại diện các CLB, đội lân cũng bày tỏ mong muốn sẽ được tranh tài cùng nhau trong một cuộc thi dành riêng cho nghệ thuật lân-sư-rồng trên địa bàn tỉnh để có thể phổ biến và góp phần phát triển bộ môn này hơn nữa.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm