Không chỉ ở Nhật, Hồng Kông, những 'phòng trọ quan tài'(*) kích thước xấp xỉ 2x1x1 m dành cho người thu nhập thấp cũng có ở Việt Nam, ngay tại Q.1, TP.HCM.
Cuộc sống tạm bợ của một người thuê phòng ẢNH: THIÊN THẢO |
Với bộ áo quần cũ lùi xùi, dép lê, chiếc ba lô và bộ râu 1 tuần không cạo, tôi đến thuê phòng trọ “quan tài” nằm gần ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ.
Những chiếc hộp ván ép
Bà chủ phốp pháp nhìn tôi từ đầu đến chân như để xác định “đối tượng” có phù hợp không, rồi nói: “Ở đây có mấy chục phòng lận, nhưng người ta thuê hết rồi. Còn phòng 600 và phòng 900 (ngàn đồng). Chú chọn loại nào?”. Tôi chọn loại 600. Lấy lý do đang tìm việc, tôi xin ở tạm 10 ngày, bà chủ chốt giá 500.000 đồng.
Căn phòng tôi ở nằm trên lầu 1. Trần thấp tè nên phải đi lom khom, mấy lần tôi va đầu vào trần nhà đau điếng. Hành lang hẹp ré, gắn mỗi cái bóng đèn hắt ánh sáng vàng yếu ớt. Tôi chui vào chiếc hộp có kích thước nhỉnh hơn 2x1x1 m (tôi có mang thước dây). Sàn trải simili phủ lớp bụi đen bốc mùi ẩm mốc, tàn thuốc lá, quả ớt khô... vương vãi. Ngoài một bóng đèn huỳnh quang 1,2 m, căn phòng hoàn toàn trống trơn.
Nhà trọ này gồm 1 trệt 3 lầu, không rõ mỗi tầng diện tích bao nhiêu nhưng theo bà chủ, có hơn... 50 phòng. Toàn nhà chỉ có... 5 nhà vệ sinh khá chật, chỗ tắm rửa tiêu tiểu chung một chỗ nên để thoát cảnh chen chúc chờ đợi, nhiều người chọn cách vệ sinh cá nhân ở ngoài trước khi về nhà.
Trừ số ít phòng “đẳng cấp” hơn, giá trên dưới 1 triệu đồng mặt chính hướng ra ban công, hưởng được chút gió trời, những phòng còn lại rất nhỏ, ngăn bằng ván ép, hầu như không thể biết “trời, trăng, mây, gió” là gì.
Nhìn đồng hồ đã 12 giờ đêm, tôi quay về phòng mình ngả lưng. Đêm đầu tiên trong căn phòng “quan tài” không quạt, không gối, ngột ngạt như cái lò thiêu, mồ hôi cứ tuôn ra như tắm. Cái đèn tuýp cũ xì, bật lên thì chói mắt, tắt thì muỗi vo ve khiến tôi không thể nào chợp mắt được. Hết nằm rồi ngồi, muốn xoay ngang cái đầu ra cửa cũng không được. Tôi định chui ra khỏi phòng mong tìm chút không khí bên ngoài hành lang nhưng cũng thối lui vì hành lang tối om và không thể thoải mái đứng thẳng để đi lại. Coi bộ không xong, tôi đành “chịu trận” mong cho qua hết đêm.
Người thuê phải ngồi xuống mới mở cửa vô được phòng ẢNH: QUANG VIÊN |
Sáng hôm sau, bác chủ nhà lên “thăm”, có vẻ cám cảnh bảo: “Mai chú mua cái quạt và gối để ngủ cho ngon hơn” rồi dặn thêm: “Ở đây đóng cửa lúc 12 giờ đêm, nhớ đi đâu thì về trước giờ đó. Bình thường đi vệ sinh, chú có thể xuống dưới tầng trệt gần phòng tui. Nhưng 12 giờ đêm, tui khóa lối vô nhà vệ sinh ở đó nên phải lên tầng trên mà đi nhé”.
Phận đời trôi dạt
Hầu hết những người thuê phòng trọ “quan tài” là người già neo đơn, dân lao động nghèo, sinh viên, có người từng có nhà cửa, tiền bạc nhưng bây giờ trắng tay.
Buổi sáng dậy thật sớm, lom khom bò ra hành lang, tôi gặp S. (22 tuổi, quê Thoại Sơn, An Giang) đã thuê phòng ở đây 3 năm. S. là cựu sinh viên Cao đẳng Kỹ thuật Tôn Đức Thắng. Bố mất, mẹ ở quê trồng rau thu nhập ít ỏi nên ban ngày S. ôn luyện để chuẩn bị liên thông lên đại học, ban đêm đi làm để trang trải chi phí.
S. nhiệt tình đưa tôi “khám phá” phòng trọ chừng 4 m2 của mình, chỗ ngủ bị choán gần hết bởi cầu thang và khối bê tông hình chữ nhật. “Vậy lý tưởng, thoáng lắm rồi đó. Hồi mới vô, em thuê căn phòng bên kia 500.000, còn tệ hơn nên dọn qua đây. Phòng này 600.000, cộng điện nước mỗi tháng khoảng 750.000 - 800.000 đồng. Ở Q.1 giá như vậy khó kiếm”. Sài Gòn nhiều ngày nóng như đổ lửa, nghĩ tới cảnh “giam” mình trong cái phòng như thế này cả ngày mà rùng mình. “Em ở quen rồi, con nhà nghèo mà”, S. cười.
Phòng trọ bé như hộp diêm ẢNH: QUANG VIÊN |
Hơn 7 giờ sáng, nghe tiếng người rì rầm trò chuyện trong phòng cùng dãy, tôi rón rén sang gõ cửa làm quen. Anh Dân (54 tuổi, nghề thợ đụng) trước sống với ba mẹ ở Q.2 nhưng bị giải tỏa, anh em tứ tán. Ít tiền nên anh và vợ thuê phòng ở đây, hằng ngày đi dọn hàng thuê ở chợ, thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vợ anh là chị Hậu (44 tuổi, quê Bồng Sơn, Bình Định) đang mang bầu to thè lè tiếp lời: “Em chuẩn bị đẻ mà khổ quá nên mới về quê xin tiền vô đi đẻ”. “Chị sinh xong rồi đưa con về đây ở luôn?”, tôi hỏi. “Chứ biết đi đâu nữa”, chị Hậu trả lời, mặt buồn rười rượi. Tôi tặng chị chút tiền và 2 tấm vé số. Nhìn căn phòng ngột ngạt bé tẹo, đứng không được, nằm phải o ép này sắp tới lại phải nhét thêm một sinh linh bé bỏng, nghĩ mà nghẹn lòng...
Cung không đủ cầu
Bà chủ nhà trọ cho biết khoảng hơn 10 năm trước, bà thấy nhiều lao động nghèo làm việc ở gần đây cần chỗ trọ. Vợ chồng già không làm được gì, sẵn còn cái nhà ba mẹ để lại nên cho thuê phòng kiếm tiền chi tiêu, không phải nhờ vả con cái.
“Khách trọ chủ yếu là lao động nghèo như: phụ bếp, tạp vụ, dọn hàng ngoài chợ, chạy xe công nghệ... nhiều người ở đây cả 10 năm rồi. Sinh viên cũng có nhưng không nhiều và họ thường ở thời gian ngắn. Nhu cầu người thuê ở rất đông, phòng trống rất ít, kể cả khi có dịch Covid-19. Người này trả phòng vài ngày sau là có người khác thuê liền”, bà chủ nói.
Vừa rời phòng anh Dân, tôi gặp cụ bà L.T.H, 80 tuổi, nghễnh ngãng. Cụ kéo tay tôi tha thiết: “Cậu cậu, cái kệ tui sập xuống rồi, qua sửa giúp tui đi”. Tôi loay hoay một hồi nhưng không gắn lại được vì thiếu đồ nghề. “Cậu ráng sửa giùm, tui đơn chiếc không có ai”, cụ H. nói. Trong phòng, ngoài cụ H. còn một cụ già 85 tuổi nằm liệt chiếu liệt giường. Tôi xuống gặp bà chủ phòng trọ mượn đồ nghề lên sửa lại cái kệ, nhưng không có. Bà chủ cho biết: “Hai bà đó trước đây làm công cho ba má tui, sau này, ba má tui cho ở không lấy tiền. Một bà mù, bệnh tật nên nằm tại chỗ luôn rồi. Cơm nước con cái bả lo nhưng không ai ở lại đây...”.
Mong thần tài gõ cửa
Trên lầu 2 có anh H. sống một mình ở đây đã 10 năm. Phòng anh H. (rộng tầm hơn 4 m2, giá thuê 850.000 đồng) như “bãi chiến trường” với nồi niêu, chén bát, thực phẩm bừa bãi sát chỗ nằm. Bếp, chỗ ăn, ngủ đều trong cái “hộp diêm” này. “Trước đây, tui ở với ba mẹ ngay Q.1, sát đây luôn. Nhưng cuộc sống khó khăn, ba mẹ bán nhà, vợ chồng tui chia tay, nên vào đây thuê”, anh H. tâm sự. Người đàn ông 62 tuổi này đi lại khá khó khăn vì bị tai biến hơn 11 năm. “Anh sống bằng nguồn thu nhập nào?”, tôi hỏi. Anh H. bùi ngùi: “Ai mà nhận người bệnh như tui làm. 10 năm nay ngày nào cũng có thuốc trong người. May có người chị chu cấp mỗi tháng”. Anh H. cho biết mình cũng có con nhưng không muốn làm phiền nên chọn nơi đây tá túc suốt quãng đời còn lại. Cầm tờ vé số tôi gửi tặng, anh H. ước: “Mong chiều nay thần tài gõ cửa để có tiền sống mà không phải nhờ bà chị chu cấp nữa”...
(*): “Phòng trọ quan tài” là cụm từ báo chí nước ngoài ví các phòng trọ siêu nhỏ dành cho người thu nhập thấp ở Nhật, Hồng Kông...
Theo Thiên Thảo (Thanh Niên)