Phóng sự - Ký sự

Phong vị Tết quê trên đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, di dân xây dựng kinh tế mới ở Gia Lai vẫn bảo lưu những nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình, đặc biệt là những nghi lễ, phong tục trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp thêm sự phong phú về văn hóa cho vùng đất quê hương thứ hai.
Người Dao ăn Tết chung
Năm 2008, vì mưu sinh, nhiều hộ dân tộc Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã chọn một vùng đất màu mỡ, bằng phẳng nơi dãy núi Chư Krêy-đoạn tiếp giáp giữa xã Chư Krêy và xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) làm nơi dừng chân cho cuộc di dân tự do. Dù cuộc sống giữa rừng tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ và mắc nhiều loại bệnh tật nhưng đất mới hơn hẳn đất quê nên họ lại dắt díu nhau vào. Một cụm dân cư tự do với 43 hộ là họ hàng quê ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã hình thành, kéo theo nhiều hệ lụy. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, tỉnh Gia Lai đã di dời 43 hộ dân người Dao này về khu tái định cư ở làng Lơ Bơ (xã Chư Krêy).
 Người Dao ở xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) thăm hỏi, chúc Tết nhau. Ảnh: H.S
Người Dao ở xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) thăm hỏi, chúc Tết nhau. Ảnh: H.S
Đây là năm thứ 2 các hộ dân này đón Tết cổ truyền ở khu tái định cư. Ông Triệu Tài Hùng-người có uy tín ở làng Lơ Bơ-chia sẻ: Năm nào cả làng cũng cùng nhau tổ chức 2 bữa cơm chung vào dịp tất niên và đầu năm mới để thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Theo đó, người Dao ở Chư Krêy thường sửa soạn đón Tết cổ truyền từ ngày 20 tháng Chạp. Khi việc đồng áng đã xong và người thân đi làm ăn xa trở về, 43 hộ người Dao cùng nhau phát dọn cây cối quanh nơi ở, đường sá, treo cờ Tổ quốc. Đến ngày 26 tháng Chạp, cả làng cùng đóng góp tổ chức bữa cơm tất niên. Đến ngày mùng 1 Tết, cả làng ăn thêm một bữa cơm năm mới.
Năm nay, ngôi nhà của gia đình ông Triệu Tài Hùng được chọn là địa điểm chuẩn bị bữa cơm chung trong ngày đầu năm mới. Từ tờ mờ sáng, sau khi tắm gội sạch sẽ với một loại nước nấu bằng nhiều cây cỏ quý, các hộ dân cử thành viên đến nhà ông Hùng chung tay sửa soạn, nấu thức ăn. Một nhóm thanh niên được giao nhiệm vụ làm thịt một con heo gần 30 kg. Toàn bộ phần thịt ba chỉ được dùng để nấu món ăn mang đậm bản sắc riêng của người Dao có tên gọi là khâu nhục. Xương heo được dùng để nấu chung với củ quả… Một nhóm khác làm thịt gà. Đông nhất là một nhóm hơn 10 người gồm cả nam và nữ cùng ngồi gói các loại bánh như bánh tét, bánh giầy, bánh cặp.
Khi các mâm lễ hoàn tất, thầy mo Triệu Văn Long bắt đầu nghi lễ cúng năm mới với bài khấn cầu mong các vị thần phù trì cho những hộ dân người Dao trong cuộc mưu sinh nơi quê hương thứ 2. Trong lúc này, các hộ dân tập trung phía trước khoảng sân nhà ông Hùng trò chuyện. Bà Triệu Thị Múi phấn khởi: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm đưa về khu tái định cư này, ngày Tết của chúng tôi vui hơn. Cuộc sống trong này cũng đỡ vất vả hơn ở quê nhờ cây trái được mùa, được giá, sinh trưởng tốt. Sum vầy đón Tết giúp chúng tôi nhớ đến không khí ngoài quê”.
Kết thúc nghi lễ cúng đất trời, các hộ dân chung tay chuyển đồ ăn qua nhà văn hóa thôn và cùng ăn bữa cơm chung. Họ ăn uống, chuyện trò, chúc nhau năm mới làm ăn phát đạt. Sau đó, mọi người chia thành nhiều nhóm nhỏ đến từng nhà để thăm và chúc nhau năm mới. 
Tết báo hiếu của người Nùng
Tết cổ truyền là một dịp lễ quan trọng trong năm của người Nùng ở làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Bà Cam Thị Ngọc-Trưởng thôn Kdâu-cho hay: “Người Nùng vào lập nghiệp ở đây khoảng 30 năm rồi. Làng có 61 hộ thì một nửa là người Nùng, còn lại là người Tày và Kinh. Dù vào trong này đã lâu nhưng người Nùng vẫn giữ được những bản sắc đặc trưng, nhất là trong việc cúng giỗ hay lễ hội xuân”.
Giao lưu văn nghệ khi đến nhà chúc mừng năm mới. Ảnh: Hoành Sơn
Giao lưu văn nghệ khi đến nhà chúc mừng năm mới. Ảnh: Hoành Sơn
Đối với người Nùng, ngày Tết phải có cây nêu để báo hiệu mùa xuân mới về và xua đuổi ma quỷ, giữ đất, giữ làng. Do đó, hộ dân nào cũng đi chặt cây tre, lồ ô về làm cây nêu dựng trước cửa nhà. Ngoài ra, người Nùng còn làm bánh Khảu Sli (còn gọi là bánh gạo nếp nổ; bánh bỏng có đậu phộng). Đây là loại bánh được làm thủ công với các nguyên liệu gồm gạo nếp, đường phèn, đậu phộng, bột bắp. “Đối với người Nùng, Tết sẽ không ra Tết nếu thiếu cây nêu và bánh Khảu Sli”-bà Triệu Thị Phong bộc bạch.
Ngay sau thời khắc đất trời chuyển sang năm mới, người Nùng tụ thành nhóm đông gõ cửa chúc mừng các gia đình trong làng cho đến hết ngày mùng 1. Đặc biệt, cộng đồng người Nùng ở làng Kdâu còn giữ được phong tục độc đáo và nhân văn trong dịp Tết là con gái và con rể báo hiếu cha mẹ vợ. Ngày thường, những người phụ nữ đã lấy chồng phải lo toan, quán xuyến công việc nhà chồng và thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Vì thế, mùng 2 Tết là dịp để họ cùng chồng con trở về nhà cha mẹ đẻ chúc mừng năm mới và thể hiện sự hiếu kính với bậc sinh thành. Anh Đổng Văn Tung-người dân làng Kdâu-kể: “Chúng tôi gọi đây là lễ báo hiếu. Con gái khi về phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cúng tổ tiên nhà mình rồi nấu nướng mời bố mẹ đẻ ăn bữa cơm. Sau khi con gái và rể thắp hương cúng gia tiên thì ông bà ngoại mừng tuổi cho các cháu rồi cùng ăn bữa cơm sum họp”. 
Ngày Tết nơi quê hương thứ 2, các hộ dân Nùng còn giao lưu với các dân tộc bản địa qua lễ hội xuân với nhiều trò chơi, các hoạt động văn hóa-văn nghệ như: ném còn, đánh đu, đi cà kheo, hát then, thổi khèn…, qua đó giúp họ vơi đi nỗi nhớ Tết quê.
 HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm