(GLO)- Hội Phụ nữ Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) có 21 chi hội với 1.422 hội viên (602 hội viên là người dân tộc Jrai), trong đó có 93,4% là lao động trực tiếp. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện những phong trào như: “Tấm lòng nhân ái”, “Vườn rau xanh”, “Sạch vườn cây, sạch nhà, đẹp đơn vị”… đã góp phần ổn định cuộc sống, tạo động lực giúp hội viên, phụ nữ trong đơn vị nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Những mái ấm tình thương
Bắt đầu từ tháng 3-2013, Hội Phụ nữ Công ty phát động phong trào tiết kiệm xây dựng quỹ “Tấm lòng nhân ái” nhằm hỗ trợ kinh phí cho hội viên xây dựng nhà ở và giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em mồ côi, gia đình bị thiệt hại do thiên tai… Theo đó, 100% hội viên hưởng ứng thực hành tiết kiệm ít nhất là 10 ngàn đồng/tháng. Thấy ý nghĩa của phong trào, nhiều cán bộ, chỉ huy là nam giới cũng tham gia ủng hộ quỹ. Qua 6 năm thực hiện, đến nay, Hội đã xây dựng được 28 căn nhà ở với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Chương (chi hội 7) là một trong số 28 hội viên được hỗ trợ xây dựng nhà. Chị chia sẻ: “Khi mới vào làm công nhân, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên dù đã cố gắng nhưng tôi vẫn chưa có khả năng xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Hai vợ chồng tôi làm một cái nhà tạm nhỏ, mọi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Khi được Hội Phụ nữ hỗ trợ 40 triệu đồng tôi đã xây căn nhà nhỏ này. Có nhà mới, tôi rất phấn khởi, yên tâm công tác”. Tương tự, chị Cao Thị Quế (chi hội 2) cũng không giấu được xúc động bày tỏ: Từ sau ngày cưới, vợ chồng tôi phải ở nhà tạm, cuộc sống càng khó khăn hơn khi gia đình đón thêm thành viên mới, mong muốn xây dựng ngôi nhà kiên cố để ở vẫn chỉ là niềm mơ ước. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình tôi, Hội Phụ nữ đã chung tay hỗ trợ để gia đình có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới. Đây là sự động viên, giúp đỡ rất có ý nghĩa, giúp chị yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trao nhà mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Y.S |
Ngoài việc xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên, hàng năm, Hội Phụ nữ Công ty còn trích từ quỹ hàng trăm triệu đồng hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Đánh giá về hiệu quả và ý nghĩa của việc thực hiện quỹ “Tấm lòng nhân ái”, Thượng tá Phan Văn Phú-Bí thư Đảng ủy Công ty-cho biết: Quỹ “Tấm lòng nhân ái” mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, là tình cảm và sự sẻ chia của các hội viên với nhau. Quỹ đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của hội viên và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo được niềm tin của hội viên với tổ chức Hội.
Mỗi hội viên có 1 vườn rau xanh
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Sao-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công ty TNHH một thành viên 72-cho biết: Nhận thấy hoạt động của Hội chưa đi vào chiều sâu, một số hội viên người dân tộc thiểu số vẫn chưa quen với việc trồng rau xanh, nhiều chị em vẫn lên rừng lấy rau dại, củ măng… Vì thế, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 (8-3-2008), Hội Phụ nữ đã phát động phong trào “Vườn rau xanh” nhằm đảm bảo rau sạch cho bữa ăn gia đình vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hưởng ứng phong trào, mỗi hội viên đều xây dựng vườn rau xanh diện tích 15 m2, có rào, trồng đủ từ 5 loại rau trở lên. Mỗi chi hội xây dựng 2 “Vườn rau kiểu mẫu”. Hàng tháng, các chi hội đi chấm điểm vườn rau, cuối năm tổng hợp để bình xét khen thưởng. Thấy được hiệu quả của phong trào, cấp ủy, chỉ huy đã quán triệt thực hiện trong toàn đơn vị; lấy đó làm một trong những tiêu chí chấm điểm, xét khen thưởng trong phong trào thi đua quyết thắng đối với cả tập thể và cá nhân. Hội viên nào không có vườn rau sẽ không được xét khen thưởng trong năm.
Qua hơn 10 năm duy trì phong trào “Vườn rau xanh”, ý thức trách nhiệm của hội viên được bồi dưỡng và nâng cao; khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị. Kết quả, Hội đã đề xuất với Giám đốc Công ty khen thưởng 31 lượt tập thể, 1.016 lượt hội viên tiêu biểu (trong đó có 67 hội viên được khen thưởng 5 năm liền, 112 hội viên được khen thưởng 3 năm liền). “Thành công lớn nhất của phong trào là đã nâng cao nhận thức trách nhiệm, ý thức tự lực, tự cường của người phụ nữ, hội viên; làm thay đổi được tập quán lạc hậu của chị em người dân tộc thiểu số, làm quen với việc trồng cây xanh tại gia đình, ý thức trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các công trình vệ sinh, góp phần tích cực vào việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe; cùng đơn vị thực hiện mục tiêu không có hộ gia đình công nhân bị xếp loại C về dân cư xã hội, góp phần xóa bỏ nhà dột, nhà tạm và hội viên không có nhà ở”-chị Sao chia sẻ.
Y SAO