Theo tập tục, phụ nữ Jrai muốn “bắt chồng” thường phải tự tay dệt những bộ váy áo thổ cẩm làm sính lễ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, yêu cầu này dần thay đổi. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm cũng đang dần mai một. Chính những cô gái Jrai phải tìm mua những bộ đồ thổ cẩm với giá cao nhưng chưa chắc đã ưng ý. Khi những nghệ nhân ở tuổi xế chiều thì nghề dệt càng có nguy cơ thất truyền. Trước thực trạng đó, tháng 7-2022, Hội LHPN xã Ia Rsươm thành lập CLB Dệt thổ cẩm tại buôn Toát với 15 thành viên nhằm bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc.
Bà Trần Thị Thắng-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsươm-cho hay: Nhằm tạo điều kiện cho CLB hoạt động hiệu quả, Hội đã xây dựng dự án và được Hội đồng Anh tài trợ kinh phí trên 126 triệu đồng để triển khai. Đây thực sự là cơ hội tốt để duy trì nghề dệt truyền thống, góp phần quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm tại buôn Toát (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) say sưa bên khung cửi. Ảnh: Vũ Chi |
Từ nguồn kinh phí tài trợ, cuối tháng 12-2022, Hội LHPN xã Ia Rsươm phối hợp tổ chức khai giảng lớp học dệt thổ cẩm đầu tiên cho chị em trong CLB do cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Tham gia khóa học, chị em được tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật cơ bản như: cách tách sợi, nhuộm, phối màu… Tuy ở nhiều độ tuổi khác nhau, song các chị em đều hào hứng, chăm chỉ học tập. Không khí lớp học luôn rộn ràng, cởi mở, chị em sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Với những nghệ nhân lớn tuổi, niềm vui của họ là được truyền nghề cho lớp trẻ còn với những chị lần đầu bắt tay vào dệt, hoàn thành được một công đoạn mới là sự nỗ lực không nhỏ.
Là nghệ nhân truyền nghề chính tại lớp dệt thổ cẩm, bà Rah Lan H’Kao cho biết: Nghề dệt đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, óc quan sát cũng như sự sáng tạo. Biết dệt đã khó, dệt được tấm thổ cẩm đẹp càng khó hơn. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, người dệt phải không ngừng học hỏi, tạo ra nét riêng độc đáo cho sản phẩm của mình. “Thật vui vì thế hệ trẻ vẫn đam mê nghề truyền thống của thế hệ trước. Tôi sẽ truyền lại tất cả kiến thức, kỹ năng mình có được để mọi người có thể tự tay dệt cho mình những trang phục ưng ý. Ngoài những buổi học tập trung, khi nào chị em cần hỗ trợ, tôi đều sẵn sàng đến tận nhà chỉ dạy thêm”-bà H’Kao trải lòng.
Sau 2 tuần tham gia lớp học, chị Nay H’Thoa đã có thể tự mình dệt những tấm thổ cẩm theo ý muốn. Chị chia sẻ: “Được các nghệ nhân chỉ dạy, tôi càng yêu thích nghề dệt thổ cẩm. Mỗi khi làm được một chi tiết, bộ phận sản phẩm, tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi đang dệt chiếc váy để tặng mẹ trong sinh nhật sắp tới. Ngoài việc nương rẫy, thời gian rảnh khá nhiều nên tôi sẽ nhờ các bà, các mẹ chỉ dạy thêm để có thể dệt thành thạo, kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”. Trong khi đó, mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Rah Lan H'Ngô vẫn nhiệt tình tham gia CLB. “Tham gia CLB, mình không chỉ truyền nghề cho lớp trẻ mà bản thân cũng học được nhiều cách trang trí họa tiết sắc sảo. Trước nay, đồng bào mình chủ yếu dệt thổ cẩm để phục vụ nhu cầu cá nhân. Giờ đây, sản phẩm của bà con được giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Đây là động lực để dân làng bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của dân tộc”-bà HNgô nói.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsươm, CLB cần nhất là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, Hội tích cực giới thiệu sản phẩm của các thành viên thông qua các phiên chợ do Hội LHPN huyện tổ chức và tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh phát động. Sản phẩm của chị em được làm thủ công, hoa văn tinh xảo nên được đánh giá cao, CLB nhận được nhiều đơn đặt hàng không chỉ trong xã, huyện mà cả các huyện, thị xã lân cận.
“Thông qua dự án, với sự tiếp sức từ Hội đồng Anh, hy vọng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Jrai tại địa phương sẽ được bảo tồn, phát triển, thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia. Hiện mỗi bộ thổ cẩm có giá 2,5-3 triệu đồng. Nếu thực sự đầu tư, coi đây là một nghề thì chị em hoàn toàn có thể sống khỏe nhờ nghề dệt truyền thống. Đồng thời, với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, chị em sẽ nâng tầm chất lượng sản phẩm truyền thống và khẳng định được vị thế trên thị trường”-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsươm kỳ vọng.