Kinh tế

Nông nghiệp

Phụ nữ làng Ia Mang liên kết trồng dâu nuôi tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất, nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở làng Ia Mang (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có thu nhập ổn định.
Đưa chúng tôi tham quan vườn dâu xanh tốt ngay cạnh nhà, chị Phan Thị Quyên cho biết: Năm 2019, trong một lần đến nhà người quen ở huyện Ia Grai, chị thấy người dân ở đây trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả lại ổn định. Trong khi vườn hồ tiêu của gia đình thì năng suất kém, thu nhập bấp bênh. Cuối năm 2019, chị quyết định phá bỏ 3 sào hồ tiêu để chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó, chị ký hợp đồng với Công ty Dâu tằm tơ Minh Tuyết (tỉnh Lâm Đồng) để được cung cấp con giống cũng như đảm bảo đầu ra sản phẩm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc nuôi tằm gặp không ít khó khăn. Nhờ kiên trì, chịu khó nên công việc cũng dần ổn định. “Mỗi tháng, gia đình tôi nuôi 2 hộp tằm giống, với giá thu mua của công ty là 180 ngàn đồng/kg kén, sau khi trừ chi phí thì lãi 20 triệu đồng. Nuôi tằm cho thu nhập ổn định, lại có thể chủ động về thời gian để làm nhiều việc khác”-chị Quyên chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Thái-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Mang thì cho hay: Trước đây, gia đình chị chỉ trồng cà phê. Tuy nhiên, vườn cây già cỗi, cho năng suất thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Vì vậy, chị cũng mạnh dạn phá bỏ hơn 3 sào cà phê để trồng dâu. Nhờ tích cực học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nên mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sau khi chủ động được nguồn thức ăn, đầu năm 2022, chị đầu tư 30 triệu đồng để làm nhà nuôi tằm. Hiện nay, gia đình có nguồn lá dâu ổn định để làm thức ăn cho 2 hộp tằm giống. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về 20 triệu đồng/tháng. “Tới đây, tôi tiếp tục phá bỏ diện tích cà phê già cỗi để mở rộng diện tích trồng dâu và nuôi thêm 4 hộp tằm giống/tháng. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên phụ nữ có nhu cầu áp dụng mô hình này tại gia đình để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm”-chị Thái nói.
Gia đình chị Phan Thị Quyên có thêm nguồn thu nhập ổn định từ trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Phạm Ngọc
Đến nay, làng Ia Mang đã có 7 hộ hội viên phụ nữ chuyển đổi diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với cây dâu, hơn nữa đầu ra cho sản phẩm kén tằm được doanh nghiệp thu mua ổn định nên các hộ yên tâm sản xuất.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Dơk-cho biết: Toàn xã có 1.972 hội viên phụ nữ, trong đó, hội viên dân tộc thiểu số chiếm 70%. Thời gian qua, nhiều chị em đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm rủi ro thấp, mức đầu tư ít, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nên rất phù hợp với quy mô hộ gia đình. “Thời gian tới, Hội tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số với chi hội người Kinh để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó, Hội đứng ra tín chấp cho các hội viên dân tộc thiểu số vay vốn để chuyển đổi sang trồng dâu, xây dựng nhà nuôi tằm, tiến tới thành lập Nông hội trồng dâu nuôi tằm”-bà Hiền thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm