Phú Thiện: Làng căn cứ kháng chiến hướng đến mục tiêu nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để giúp người dân 4 làng căn cứ kháng chiến của xã Chư A Thai giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của 4 làng giai đoạn II (2021-2024).
Sau khi kết thúc giai đoạn I của Đề án, đến nay, 4 làng gồm: Pông, Kinh Pêng, Trớ, Hek đã cơ bản được quy hoạch lại đảm bảo khoa học, hợp lý. Theo đó, huyện đã di dời, sắp xếp, bố trí 294 căn nhà của 260 hộ với diện tích tối thiểu 600 m2/hộ, tạo không gian sống thông thoáng, gọn gàng theo chuẩn nông thôn mới. Song để tiếp tục giúp đỡ người dân giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống, huyện Phú Thiện tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của 4 làng giai đoạn II (2021-2024). Mục tiêu của Đề án là giúp người dân bố trí lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, 4 làng có 404 hộ (345 hộ là người dân tộc thiểu số) với 1.834 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,9%, hộ cận nghèo chiếm 3,2% và thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 13,5 triệu đồng/năm. Đây là 4 làng khó khăn nhất của xã Chư A Thai, đất đai chủ yếu là đồi núi, khó khăn cho sản xuất và trình độ canh tác của người dân còn hạn chế. Toàn bộ khu vực có khoảng 472 ha đất sản xuất (làng Pông 186 ha, làng Kinh Pêng 88 ha, làng Trớ 70 ha, làng Hek 128 ha).
Ông Nay Yang (làng Pông) đề đạt nguyện vọng: “Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ giống lúa mới, giống mì có thể kháng bệnh khảm lá vi rút, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để bà con phát triển kinh tế”. Trong khi đó, ông Đinh Chích (làng Pông) thì bày tỏ: “Gia đình tôi có 5 sào lúa rẫy, 2 ha mía và 15 con bò. Tuy nhiên, do không biết cách làm ăn nên thu nhập hàng năm cũng chỉ đủ ăn. Do đó, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất”.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ở làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được đầu tư bài bản, khang trang. Ảnh: Lê Nam
Hệ thống cơ sở hạ tầng ở làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được đầu tư bài bản, khang trang. Ảnh: Lê Nam
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho biết: Đến nay, tất cả nhà cửa của người dân 4 làng căn cứ kháng chiến đã được quy hoạch bài bản, có hàng rào, cổng ngõ, chuồng trại chăn nuôi được làm cách xa nhà ở và mỗi hộ đều có vườn rau xanh, cây ăn quả. Ngoài ra, hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt, nhà văn hóa đã được đầu tư hoàn thiện. Tuy nhiên, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung của xã. Trình độ sản xuất, canh tác còn lạc hậu.
“Trong giai đoạn II của Đề án, chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì ý chí vươn lên của người dân là rất quan trọng. Chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT rà soát điều kiện đất đai để triển khai các mô hình sản xuất giúp người dân tiếp cận mô hình mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, xã tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả để phát triển kinh tế”-ông Toàn cho hay.     
Ông Đinh Chích-Plei Pông trao đổi với cán bộ xã, phòng Nông nghiệp-PTNT về nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam
Người dân làng Pông trao đổi với cán bộ xã, Phòng Nông nghiệp và PTNT về nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam
Theo Đề án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn II, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ giống lúa cạn với diện tích gần 250 ha; xây dựng các mô hình: trồng xoài Úc, na khoảng 20 ha, trồng điều cao sản khoảng 9 ha; hỗ trợ giống mì cao sản có khả năng kháng bệnh cao khoảng 194 ha; cấp 122 con bò cho hộ nghèo và cận nghèo; cấp cho mỗi hộ nghèo và cận nghèo 10 con gà để phát triển chăn nuôi. Đồng thời, huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn vốn, chương trình để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Trao đổi với P.V, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Ở giai đoạn I, huyện đã triển khai 4 mô hình sản xuất gồm: cánh đồng mía lớn với diện tích 87 ha gồm 78 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; trồng 8,6 ha điều ghép AB0508 với 11 hộ tham gia; trồng 2 ha mì với 1 hộ tham gia; trồng 20 ha lúa cạn LC93-1 với 21 hộ tham gia. Bước đầu, người dân đã thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích.
“Thời gian tới, huyện tập trung mọi nguồn lực để giúp người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây phù hợp hơn. Trong đó, xác định những cây trồng chủ lực như: cây lúa cạn năng suất chất lượng cao, cây mì cao sản, điều, xoài Úc, na. Ngoài ra, huyện phối hợp với các doanh nghiệp triển khai một số mô hình, kết hợp với chính sách đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2024, cả 4 làng căn cứ kháng chiến đạt chuẩn nông thôn mới”-ông Quý cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm