(GLO)- Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, 2 năm trở lại đây, huyện Kông Chro (Gia Lai) luôn vượt chỉ tiêu về trồng và phát triển rừng. Nhiều khu vực đồi núi trọc đã bắt đầu phủ lên một màu xanh mơn mởn của những cánh rừng trồng.
Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương nên công tác trồng rừng ở huyện Kông Chro đã đạt những kết quả tích cực. Năm 2017, toàn huyện đã trồng được 1.355 ha rừng, trong đó, 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện trồng được 605 ha, vượt 205 ha so với chỉ tiêu tỉnh giao; diện tích rừng còn lại do các công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện thực hiện. Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số bắt đầu nhận thức được ý nghĩa của việc trồng rừng đối với công tác xóa đói giảm nghèo nên đã tích cực tham gia. Điển hình như gia đình anh Đinh Ương (làng Kliết, xã Đak Song) đã trồng gần 5 ha rừng trên đất bạc màu, khô cằn. “Được cán bộ xã xuống tổ chức họp làng, tuyên truyền vận động nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, ai nấy đều rất phấn khởi vì diện tích rừng trồng đang phát triển tốt”-anh Ương nói.
Kiểm tra sự phát triển của cây trên diện tích rừng trồng tại xã Yang Nam (huyện Kông Chro, Gia Lai). Ảnh: Đ.T |
Năm 2018, UBND tỉnh giao huyện Kông Chro tiếp tục trồng mới 1.400 ha rừng. Đến thời điểm này, các xã, thị trấn và các công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng vượt kế hoạch gần 400 ha. Cụ thể, UBND huyện Kông Chro triển khai kế hoạch trồng mới 1.756 ha rừng sản xuất và 70 ha trồng cây phân tán. Trong số này, ngoài diện tích 1.482 ha do các xã tổ chức thực hiện thì Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro cũng được giao nhiệm vụ trồng 275 ha rừng. Ông Võ Đình Chung-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Đến thời điểm này, Công ty đã trồng hơn 100 ha, số còn lại sẽ được triển khai trồng trong thời gian tới. “Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ chưa được phân bổ kịp thời; mưa kéo dài nên việc xử lý thực bì rất khó thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng của đơn vị”-ông Chung nêu thực trạng.
Theo ông Đào Duy Tuấn-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro: Triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2018 theo chỉ đạo của UBND huyện, Hạt Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với chủ rừng và chính quyền các xã, thị trấn khảo sát, thống kê, tiến hành thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đăng ký tham gia trồng rừng để góp phần giảm nghèo. “Hiện tại, lãnh đạo đơn vị đã xuống kiểm tra chất lượng cây giống tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Thanh (tỉnh Bình Định). Đợt này, đơn vị sẽ cung cấp khoảng 65.000 cây giống cho các hộ dân tại địa bàn các xã”-ông Tuấn xác nhận.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vấn đề khó khăn hiện nay là diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp phân bố rộng khắp 14 xã, thị trấn và đa số là của các hộ người Bahnar. Đặc biệt, những diện tích này tập trung chủ yếu ở địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, lại xa khu dân cư nên để thực hiện kế hoạch trồng rừng hiệu quả và đạt chỉ tiêu kế hoạch đòi hỏi phải mở đường vận chuyển giống cây trồng cũng như vận chuyển sản phẩm rừng trồng sau khai thác.
Song song với triển khai kế hoạch trồng rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro còn chủ động phối hợp với ngành chức năng, chủ rừng và các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê những diện tích đất rừng bị lấn chiếm để thu hồi. Theo đó, giai đoạn 2017-2018, huyện thu hồi 1.965 ha, năm 2019 thu hồi 2.330 ha và các năm tiếp theo sẽ thu hồi 6.805 ha để chuyển sang mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. “Trong quá trình triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn, đơn vị còn gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với đất rừng đã bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trả lại phần diện tích này, đồng thời đăng ký trồng rừng trên phần đất đã lấn chiếm”-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết thêm.
Minh Nguyễn