Pleiku: Sớm về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, TP. Pleiku là địa phương đầu tiên và duy nhất trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang hoàn tất các thủ tục đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017.

Huy động sức mạnh tổng hợp

So với các địa phương khác trong tỉnh, TP. Pleiku có nhiều lợi thế hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Mặt khác, thành phố cũng hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, trong đó đáng kể nhất là trên địa bàn có hơn 2.597 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Với những lợi thế ấy, cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt, sáng tạo trong cách triển khai, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2017.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đầu tiên, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, mục tiêu, cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Xuân Quang (thôn 2, xã Chư Á) cho hay: “Ngay khi được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã tích cực tham gia các phong trào làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa hội trường thôn. Gia đình tôi còn tự nguyện hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo làng Bông Phun và thường xuyên tạo việc làm cho một số hộ dân làng này”.

Theo bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku, trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố đã phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa và 14 phường hỗ trợ, giúp đỡ 9 xã xây dựng NTM. Đồng thời, thành phố cũng huy động sức mạnh của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn và các doanh nghiệp cùng tham gia. Mặt khác, thành phố đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết” và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ năm 2014 đến nay, các cấp, các ngành cũng chú trọng kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình xây dựng NTM ở từng tiêu chí. Vì vậy, các xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trước thời hạn đề ra 2-3 năm. Đặc biệt, 9/9 xã đạt chuẩn đều không có tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM.

Giữ vững, nâng cao các tiêu chí

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Thị Tâm cho rằng: “Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân. Đây là bước đệm để thành phố tiếp tục vươn lên. Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tiến tới xây dựng các làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”. Tuy nhiên, bà Tâm nhấn mạnh thêm, thời gian tới, để các xã duy trì và nâng cao các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới, thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân, trong đó tập trung vào các tiêu chí về bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, hộ nghèo... Bởi lẽ, trên địa bàn thành phố hiện còn 588 hộ nghèo (chiếm 1,12%), không tính số hộ nghèo thuộc diện đang hưởng bảo hiểm xã hội.

Song song với huy động các nguồn lực xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững, thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; hướng dẫn, khuyến khích người dân sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị cao mang tính cạnh tranh; hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến... Bên cạnh đó, địa phương đã xây dựng kế hoạch và lộ trình về xây dựng làng NTM theo Chỉ thị số 12- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, chọn làng Brel (xã Biển Hồ) và làng Wâu (xã Chư Á) làm điểm triển khai thực hiện, sau đó sẽ nhân rộng ra các làng khác. Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM toàn thành phố là hơn 1.086 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 301 tỷ đồng (chiếm 27%); vốn vay tín dụng hơn 154 tỷ đồng (chiếm 14,2%); vốn doanh nghiệp hơn 125 tỷ đồng (chiếm 11,5%) và vốn nhân dân đóng góp hơn 504 tỷ đồng (chiếm 46,4%); vốn khác hơn 2 tỷ đồng (chiếm 0,2%)...

Nguyễn Diệp - Anh Huy

Có thể bạn quan tâm