UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ gần 260 nghìn đối tượng và 467 hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với kinh phí hơn 275 tỉ đồng.
Ngày 28.12, Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã công bố số liệu thống kế kinh tế xã hội tỉnh này năm 2020.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định-Nguyễn Thị Mỹ, năm 2020, nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 khiến số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường đạt 180 doanh nghiệp, giảm 8,2% so cùng kỳ năm 2019; có 74 doanh nghiệp giải thể (tăng 4,2% so cùng kỳ); 357 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 37,6% so cùng kỳ).
Còn bà Nguyễn Thị Phương Liên-Trưởng phòng Thống kê Xã hội (Cục thống kê tỉnh Bình Định) cho biết, trong năm 2020, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế các nước trên thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã công bố số liệu thống kế kinh tế xã hội tỉnh này năm 2020. Ảnh: N.D |
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, các doanh nghiệp thiếu nguyên, vật liệu đầu vào; gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa tồn kho nhiều gây tình trạng ứ đọng, giảm chất lượng, tăng chi phí và gây khó khăn trong việc bảo quản. Doanh thu giảm mạnh vì hàng hóa xuất đi các nước bị hạn chế, gánh nặng lãi suất ngân hàng đến hạn, các khoản thuế, phí, bảo hiểm các loại...
“Trước tình hình khó khăn đó, để đảm bảo hoạt động, một số doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cắt giảm giờ làm của người lao động. Tại tỉnh Bình Định có khoảng 52 doanh nghiệp đề nghị tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội, tương đương khoảng 5.600 lao động tạm thời phải nghỉ việc/làm việc luân phiên” -bà Liên cho hay.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội nên các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, các hoạt động sản xuất kinh doanh cá thể, các điểm tham quan du lịch phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn giảm mạnh, nhiều đơn vị tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, hoạt động giáo dục-đào tạo tại các cơ sở tư thục phải đóng cửa nên lực lượng lao động phải tạm nghỉ dài hạn, không có lương.
Cũng theo bà Liên, tỉnh Bình Định không nằm trong trung tâm dịch, chỉ bị tác động của đại dịch COVID-19 nhưng với chủ trương “Chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm, bảo đảm an sinh và sức khỏe cho nhân dân”, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và có quyết định về việc thực hiện chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Bình Định. Ảnh: N.T |
Tổng kinh phí chi trả cho gần 260 nghìn đối tượng và 467 hộ sản xuất kinh doanh là hơn 275 tỉ đồng.
Trong đó, đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo là 244.828 người, với tổng kinh phí gần 260 tỉ đồng. Đối tượng là người lao động tạm hoãn hoặc nghỉ việc, hộ sản xuất kinh doanh 467 hộ và 14.714 lao động với số tiền là 15,6 tỉ đồng.
Đối với 52 doanh nghiệp kiến nghị tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội, đã xét và giải quyết cho 9 doanh nghiệp, với 2.840 lao động tạm thời dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất. Số doanh nghiệp còn lại đang xem xét và giải quyết.
Theo NGUYỄN TRI (NLĐO)