(GLO)- Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến giao dịch số ở các doanh nghiệp tăng mạnh. Gia Lai cũng không đứng ngoài cuộc khi bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là doanh nghiệp SMEs) chuyển đổi số.
Khẳng định chất lượng doanh nghiệp
Công ty Điện lực Gia Lai là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số. Ông Nguyễn Phương Nam-Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Công ty Điện lực Gia Lai) cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành lưới điện. Trong công tác quản trị, Công ty đã sử dụng phần mềm CPC-eOffice, eOffice Chat một cách hiệu quả, 100% cán bộ, nhân viên có hộp thư điện tử @cpc.vn và đã thực hiện liên thông văn bản với chính quyền địa phương”.
Công ty Điện lực Gia Lai triển khai tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy |
Trên lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ, Công ty Điện lực Gia Lai sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống CMIS 3.0, hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, tích hợp chữ ký số...; sử dụng các ứng dụng CRM, website/app CSKH để gửi thông báo qua Email, sms, Zalo... với khách hàng; ứng dụng ký số điện tử, các hồ sơ, tài liệu, hợp đồng mua bán điện cũng đang từng bước số hóa. Ngoài ra, còn có một số phần mềm đang được triển khai sử dụng như: giám sát mua bán điện CPM, quản lý đo xa DSPM, hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa RF-Spider…
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ với vùng nguyên liệu 40 ngàn ha và là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ USDA của Mỹ. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho hay: “Để đạt được kết quả đó, ngoài việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo quy chuẩn canh tác, doanh nghiệp còn hội nhập phương thức canh tác mới về công nghiệp số, nông nghiệp số, chuẩn hóa số từ bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý”.
Tuy nhiên, tại Gia Lai, sự chuyển đổi số chỉ mới diễn ra ở một vài doanh nghiệp lớn mà chưa thể hiện rõ ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông Hoàng Văn Long-giám đốc một doanh nghiệp mới thành lập-chia sẻ: “Tôi thành lập doanh nghiệp với hy vọng mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện do doanh nghiệp còn quá nhỏ nên chúng tôi cũng mới dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm kế toán, tận dụng internet-thông qua các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm”.
Theo ông Lương Minh Huân-Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2415/KH-UBND về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Hiện công nghệ IOT, Big data bắt đầu được ứng dụng trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 41 mã số vùng trồng cây ăn quả, 8 cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu; 12 dự án trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, cũng có hơn 100 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng khoảng 1,2 triệu tem truy xuất nguồn gốc và 306 đơn vị đăng ký sử dụng mã số, mã vạch GS1. Cùng với đó, công nghệ SCADA cũng được triển khai để quản lý tại một số công trình thủy lợi...
Công cuộc số hóa mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh. Ảnh: Hà Duy |
Việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên nền tảng số đã đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp như: chi phí thấp, tiết kiệm thời gian, mức độ phổ biến rộng trên toàn thế giới... Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có website. Các website cũng còn rất sơ sài, thiếu thông tin, chức năng giao tiếp với khách hàng.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp SMEs tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực tự thân, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, bởi chuyển đổi số không chỉ đơn giản là xu hướng nhất thời mà công cuộc số hóa còn mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh.
HÀ DUY