Kinh tế

Xây dựng Pleiku thành một đô thị đặc thù

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng tại nhiều cuộc họp với UBND thành phố Pleiku. Vấn đề làm sao để xây dựng một đô thị đặc thù song song với sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị của một trung tâm mang tầm khu vực như TP. Pleiku luôn là đề tài được đem ra bàn luận khá sôi nổi và là vấn đề quan tâm của cả chính quyền địa phương cũng như người dân.

Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Đình Tiến nhận định: “Về kinh tế, mặc dù thời gian qua thành phố đã gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng và suy thoái chung, song Pleiku vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt hơn 1.570 tỷ đồng, thu ngân sách trên 280 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.440,72 tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế nhà nước hơn 134 tỷ đồng, kinh tế ngoài nhà nước 1.281 tỷ đồng.

 

 

Đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên”. Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm, ở các lĩnh vực cụ thể khác cũng được lãnh đạo thành phố chú trọng đúng mức và đạt được những kết quả phấn khởi như chất lượng dạy và học được nâng lên; cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Công tác giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào phòng-chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội được triển khai tích cực, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Riêng đối với công tác xây dựng nông thôn mới, thành phố đã hoàn thành 15 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới lên 121/171 tiêu chí của 9 xã.

Sự phát triển kinh tế của Pleiku tạo niềm tin việc đạt tới mục tiêu xây dựng TP. Pleiku thành đô thị loại I trong tương lai gần là điều dễ dàng. Tuy nhiên, một nhiệm vụ khác cũng nặng nề không kém là thành phố phải nỗ lực hết sức để thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị từ nay đến năm 2020. Không khó để nhận ra, thời gian gần đây, bộ mặt đô thị Pleiku đã thay đổi nhiều, hiện đại hơn, khang trang hơn; hệ thống các cao ốc mọc lên nhiều hơn.

 

Chợ nông sản được xây dựng tại đây (bến xe nhỏ) sẽ là một điểm nhấn của đô thị Pleiku. Ảnh: K.L
Chợ nông sản được xây dựng tại đây (bến xe nhỏ) sẽ là một điểm nhấn của đô thị Pleiku. Ảnh: K.L

Nhưng theo quan điểm của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, với vị thế là thành phố trung tâm của khu vực, Pleiku ngoài phát triển kinh tế ra còn phải xây dựng bộ mặt đô thị đẹp và phải có đặc trưng riêng, phù hợp và phải khác với các địa phương khác. Cùng chung quan điểm này, ông Lê Vinh-Giám đốc Sở Xây dựng cũng đề nghị TP. Pleiku trong xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị phải hết sức tránh việc san bằng địa hình, bởi địa hình Pleiku có nhiều đồi dốc, đây được coi là đặc thù vô cùng thú vị và có sức hấp dẫn riêng mà không phải địa phương nào cũng có.    

Đại diện lãnh đạo TP. Pleiku cho rằng tất cả những thành tựu mà Pleiku đạt được khiến chúng ta có thể lạc quan về tương lai của một đô thị mang tầm vóc khu vực, song thực tế Pleiku còn cần nhiều hơn nữa. Thành phố cũng kiến nghị lên UBND tỉnh một số vấn đề trọng điểm mà cụ thể là các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện để thành phố tìm kiếm các nguồn vốn ODA, ADB giúp địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị (mà trước mắt là dự án xử lý và thoát nước thải của thành phố). Nước sạch cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại đô thị.

Hiện tại mới có 14.500 hộ/47.000 hộ sử dụng nước máy thì rõ ràng trách nhiệm này thuộc về Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai. Công ty cần sớm có kế hoạch mở rộng địa bàn để nâng số hộ sử dụng nước sạch. Thêm nữa, việc đầu tư mở rộng mạng lưới giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai, quốc lộ 19 đoạn qua địa phận xã Chư Á cần sớm triển khai để hạn chế điểm đen về an toàn giao thông.

Qua trao đổi với một số ngành chức năng về những tiêu chí để Pleiku có thể trở thành đô thị loại I sớm nhất, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần phải hoàn thiện những vấn đề nhỏ nhưng mang tính cốt lõi trước. Đó là tăng cường phối hợp với các sở, ngành để làm tốt công tác phát triển toàn diện; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; củng cố và tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng chức năng như Công an, các tổ tự quản cấp xã, phường. Pleiku phải nỗ lực để trở thành một đô thị phát triển lành mạnh bằng cách đẩy mạnh kiểm tra các nhà hàng, quán trọ, quán karaoke để hạn chế các vụ tiêu cực, bảo kê… Điều đó phải bắt đầu bằng việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị.

Tại buổi làm việc gần đây nhất với UBND TP. Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã ghi nhận trước những kết quả mà TP. Pleiku đạt được trong thời gian qua. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Để thành phố thực sự trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh thì cần phải có kế hoạch tổng thể, có quy mô, mang tính bền vững, lâu dài, sớm soát xét lại quy hoạch mang tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt cần đề xuất với UBND tỉnh về cấp phép xây dựng, môi trường, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại nhưng cũng phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, giữ được nét đặc trưng riêng biệt của thành phố cao nguyên”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm