Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có 4 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Những dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục tỉ USD.
4 dự án này bao gồm: Đường bộ cao tốc Bắc Nam với tổng vốn khoảng 230.000 tỉ đồng; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vốn đầu tư khoảng 16,3 tỉ USD; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và dự án Tuyến đường ven biển.
Ảnh minh họa |
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.372 km với thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, từ nay đến 2020.
Trong tổng mức đầu tư là 229.829 tỉ đồng thì sẽ có vốn nhà đầu tư huy động 136.286 tỉ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 93.534 tỉ đồng (chiếm 40,7%).
Về nguyên tắc đầu tư, quan điểm của Bộ GTVT là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể ở đây là hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Với chiều dài 1.372 km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động
Bộ GTVT dự kiến tiến độ thực hiện: Phê duyệt chủ trương/đề xuất đầu tư các dự án thành phần: Tháng 6-7-2017: Phê duyệt dự án đầu tư: Hoàn thành từ tháng 12-2017-3-2018; - Phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu: Hoàn thành từ tháng 6.2018-9.2018; Lựa chọn nhà đầu tư: Hoàn thành trước tháng 12-2018; Khởi công các đoạn tuyến: Chậm nhất vào tháng 5.2019; Hoàn thành các đoạn tuyến: Chậm nhất tháng 12-2022.
Trên cơ sở tiến độ của các dự án thành phần, dự kiến kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2022 để bố trí cho dự án như sau: năm 2017 là 8.458 tỉ đồng; năm 2018 là 16.559 tỉ đồng; năm 2019 là 26.988 tỉ đồng; năm 2020 là 22.688 tỉ đồng; năm 2021 là 14.067 tỉ đồng; năm 2022 là 4.784 tỉ đồng.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Theo quy hoạch, dự án sân bay Long Thành sẽ có tổng mức đầu tư là 336.763 tỉ đồng (tương đương 16,3 tỉ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỉ đồng (tương đương 5.456 tỉ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án được tiến hành với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam
Với dự án này, giai đoạn 2016-2020 chủ yếu sẽ tập trung lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo quy định để thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2030 và hoàn thành vào năm 2050.
Hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm hỗ trợ cho một số đoạn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.
Dự án Tuyến đường ven biển
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 sẽ ưu tiên đầu tư một số đoạn tuyến đường và cầu thực sự cấp bách theo Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. Trong đó cấp bách nhất được ưu tiên là đoạn Hải Phòng – Thái Bình. Vì đoạn đường này sẽ tạo điều kiện cho địa phương khai thác vùng bãi bồi ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Nam sông Hồng.
Trong đó, đoạn Hải Phòng dài 29 km với tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng đầu tư theo hình thức PPP (Tổng công ty xây dựng số 1 đầu tư) trong đó vốn góp của Nhà nước là 1.000 tỉ đồng); Đoạn Thái Bình dài 15km, tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, dự kiến đầu tư từ nguồn vốn ODA (hiện Ngân hàng Thế giới đang quan tâm cho vay).
Theo motthegioi