Chuyện ở Singapore

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đón đoàn chúng tôi ở Sân bay quốc tế Singapore Changi hồi trung tuần tháng 11 vừa rồi là một cô gái vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn, mới trông qua áng chừng chỉ tuổi đôi mươi trong bộ váy áo bình dị. Chiếc ô tô trên 30 chỗ ngồi sang trọng, nội ngoại thất không còn chỗ chê đưa chúng tôi trên đường về phố.



Hướng dẫn viên Lê Quang Huy theo đoàn từ nhà tranh thủ giới thiệu về nữ đồng nghiệp của mình với mọi người. Thì ra, đó là một cô gái Việt, không còn trẻ, vào nghề đã 12 năm có lẻ, tên là Vũ Đặng Yến Anh. Học xong đại học ngành Quản trị du lịch-Khách sạn Đại học Singapore thì phải lòng một anh chàng viên chức người Sing. Thế là Yến Anh chọn xứ sở này làm chỗ định cư lâu dài. “Lâu lâu, cháu cũng tranh thủ về thăm ba mẹ, nhà cháu ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh nên đi lại cũng không trở ngại mấy”-Yến Anh rất cởi mở với khách nhà. Cô cầm micro, cúi đầu về phía chúng tôi và nói lời chào, một giọng Nam bộ rặt. Đảo quốc Sư tử qua lời giới thiệu của Yến Anh làm tôi háo hức đến độ cả đêm hôm ấy chẳng thể chợp mắt, hình dung ra bao điều, rồi so sánh nó với những điều tương tự ở xứ mình.

 Một góc đảo quốc Singapore. Ảnh: internet
Một góc đảo quốc Singapore. Ảnh: internet



Đưa chúng tôi đến những nơi cần đến, Yến Anh hướng dẫn và giải thích tường tận bao chuyện mà theo tôi, có lẽ truyền thông và Google ít hoặc không đề cập. Chẳng hạn, chuyện... muốn quay lại Sing, không khó. Đó là cứ làm ngược lại các quy định của họ, nếu chưa bị phát hiện và xử lý trong khi bạn còn lưu trú trên đất họ thì dẫu đi đến đâu, một ngày nào đó, bạn cũng sẽ nhận được giấy mời đến Sing để... “thấm nhuần” những quy định không được làm mà bạn đã làm.

Có không ít vị trí trên đường có cấu trúc xây dựng giống bên ta gọi là BOT nhưng có vẻ uy nghi hơn, hiện đại mà dễ nhìn hơn, các phương tiện vận tải lại qua nườm nượp. Trả lời sự tò mò của tôi, Yến Anh cho biết: “Chính xác, đó là BOT, khác ở bên mình là BOT không dừng, không dừng nhưng đừng tưởng là tiền không mất, càng vào giờ cao điểm, tiền càng mất nhiều khi qua các BOT đó”. Ở đây, người ta quản lý trật tự đô thị bằng cả một hệ thống điện tử, không gì lọt qua được “mắt” nhà chức trách. Cả nước Singapore dân số ước chừng bằng 1/2 TP. Hồ Chí Minh, nhưng lượt du khách thập phương có mặt hàng ngày trong mùa cao điểm, theo thống kê có đến hơn một nửa số đó. Vậy họ sống và làm việc, đi lại, mua bán ở đâu mà phố vẫn thông, hè vẫn thoáng, không một mẩu rác thải? Câu trả lời rất đơn giản: Dưới lòng đất! Nhiều loại dịch vụ phục vụ cho cư dân là ở... trong lòng đất. “Cái gì ở dưới ấy cũng đều rẻ gấp nhiều lần so với thứ cùng loại mà ở trên mặt đất”-Yến Anh cho hay.

Yến Anh nói vui nhưng mà sự việc là thật, rằng ở Sing muốn sở hữu một chiếc ô tô không hề dễ, bởi đảo quốc này diện tích nhỏ, dân số đông, cho nên phương tiện lưu thông cá nhân bị hạn chế nhằm giảm thiểu ùn tắc. Để mua được chiếc ô tô, người mua phải trả thuế gấp 1,5 lần giá trị thực của nó trên thị trường; mà còn phải đấu giá mới được sở hữu giấy chứng nhận quyền để ô tô được phép lưu thông trên đường và thời hạn lưu thông đó chỉ vẻn vẹn... 1 thập niên mà thôi. Chuyện nhà ở dân cư cũng là điều bất ngờ với tôi: Vợ chồng Yến Anh tiết kiệm và vay ngân hàng cũng đã sở hữu được một căn hộ 70 m2 trong chung cư của Nhà nước, đấy là loại căn hộ rẻ nhất trong 3 loại căn hộ đang thịnh hành ở Sing, mà giá cũng lên đến... tương đương 17 tỷ đồng. Chưa hết, Nhà nước chỉ bán quyền sử dụng 99 năm, không bán sở hữu, trong vòng 5 năm đầu, người mua nhà không được sang nhượng. Còn nhà tư nhân xây bán, giá của nó gấp từ 3 đến 5 lần, cán bộ, công chức, viên chức khó mà mua nổi.

Lần mò tìm hiểu, người viết bài này còn biết một chuyện nữa nghe mà khó tin, một đất nước chiều dài từ đầu này sang đầu kia nếu di chuyển bằng ô tô chỉ chừng một giờ, nhưng hệ thống đường bộ có đến gần 3.400 cây số, trong đó gần 200 km đường cao tốc. Chưa nói đến hàng trăm cây số đường tàu điện ngầm và xe lửa. Yến Anh đưa chúng tôi đến vài nơi mua sắm, tôi chần chừ chọn vài thứ lặt vặt cho có... lệ, chứ khi nhìn vào giá đính kèm tính bằng đồng đô la Sing, quy ra tiền Việt thì khiếp vía. Yến Anh khẳng định ở Sing không tồn tại hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái, bởi kinh doanh loại hàng ấy sẽ bị nhà chức trách phạt cực kỳ nặng nếu phát hiện được; cho nên đã là đồ thật thì giá không thể rẻ.

Hãy một lần đến Sing, bạn sẽ tin những gì tôi kể. Chỉ có điều, người viết cạn nghĩ, cứ thứ gì đụng đến túi tiền, thậm chí đụng đến rất nhiều tiền trong túi thì chủ nhân của nó ắt phải dè chừng khi làm một việc gì đó không đúng quy định của nhà chức trách-đó là phạt nặng những ai vi phạm, thậm chí những quy định điều chỉnh từ hành vi nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày như vứt rác ra đường, hút thuốc lá không đúng chỗ, “xả thải” không đúng nơi; đôi lúc còn có hình phạt bằng... roi mây khi tòa án tuyên bổ sung kẻ phạm những tội mà luật pháp ở Singapore cho là nghiêm trọng như tội hiếp dâm, buôn ma túy, trộm cắp...

 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm