Lúc nửa đêm ngày 25, rạng sáng ngày 26-8-2023 (theo giờ New Delhi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ đã ký sắc lệnh áp thuế xuất khẩu lên tới 20% đối với mặt hàng gạo đồ (basmati) và có hiệu lực ngay lập tức.
Công nhân làm việc trong xưởng xay xát gạo ở ngoại ô thành phố Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Gạo đồ là loại gạo mà phần thóc được ngâm trong nước nóng rồi mới được gia công chế biến.
Hiện, Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết việc áp thuế 20% đối với các lô gạo đồ xuất khẩu sẽ kéo dài đến ngày 16-10-2023. Các lô gạo đồ đã có đầy đủ giấy phép xuất khẩu, đang nằm tại cảng chuẩn bị xuất khẩu; hoặc chưa được hải quan cấp phép xuất khẩu (LEO) nhưng đã có chứng từ hợp lệ (LC) trước ngày 25-8-2023 sẽ không phải chịu mức thuế trên.
Thị trường gạo thế giới đang trải qua cú sốc cung khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu, đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ (non-basmati) kể từ ngày 20-7-2023 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Gạo tẻ chiếm tới 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ. Nay, Ấn Độ tiếp tục áp thuế 20% đối với gạo đồ, siết chặt xuất khẩu.
Ấn Độ hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu và chiếm thị phần lớn trong phân khúc gạo giá rẻ. (Đồ hoạ: Reuters) |
Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới và đạt 7,4 triệu tấn trong năm 2022. Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới.
Một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ngoại trừ gạo basmati trước đó đã thúc đẩy một số khách hàng tăng mua gạo đồ và nâng giá loại gạo này lên mức cao kỷ lục.