Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nước rửa chén sinh học làm từ vỏ trái cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trái cây các loại, đặc biệt vỏ cam và khóm, Đỗ Hồng Xuân (24 tuổi) sản xuất thành nước rửa chén sinh học thân thiện môi trường.

Tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên và môi trường, Trường ĐH Cần Thơ vào năm 2022, Đỗ Hồng Xuân làm kiểm nghiệm viên tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM. Sau hơn 1 năm công tác, Xuân về địa phương, công tác tại P.Lê Bình (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) rồi tiếp tục học thạc sĩ và vừa tốt nghiệp.

Dự án của Xuân lấy ý tưởng về việc ứng dụng kinh tế carbon tuần hoàn để hạn chế lượng rác thải hữu cơ, đặc biệt là rác thải vỏ trái cây có giá trị cao trong các quy trình sản xuất nước tẩy rửa sinh học; từ đó góp phần bảo vệ môi trường, giảm thải tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, tạo thói quen sử dụng sản phẩm hữu cơ cho người dân.

Đỗ Hồng Xuân nghiên cứu, biến vỏ trái cây các loại thành nước rửa chén sinh học. ẢNH: DUY TÂN

Đỗ Hồng Xuân nghiên cứu, biến vỏ trái cây các loại thành nước rửa chén sinh học. ẢNH: DUY TÂN

Năm 2023, Xuân bắt tay thực hiện dự án. Sau khi thực nghiệm với nhiều loại nguyên liệu, nhận thấy vỏ bưởi, thanh trà, cam, chanh, khóm có mùi thơm dễ chịu, phù hợp với việc tẩy rửa, Xuân chọn vỏ cam và khóm làm nguyên liệu chính để nghiên cứu tạo ra nước rửa chén sinh học. Nguyên liệu được làm sạch để loại bỏ chất bẩn, giúp quá trình lên men dễ dàng, tránh làm nguyên liệu bị hỏng. "Lúc mới triển khai thực hiện, tôi phải sử dụng nhiều thùng chứa để ngâm ủ riêng từng loại vỏ trái cây. Cách làm này giúp tôi chọn được nguyên liệu phù hợp. Qua chắt lọc, tôi sử dụng vỏ cam và vỏ khóm làm nguyên liệu chính để sản xuất nước rửa chén sinh học", Xuân chia sẻ.

Vỏ cam là một trong 2 nguyên liệu chính làm ra nước rửa chén sinh học. ẢNH: DUY TÂN

Vỏ cam là một trong 2 nguyên liệu chính làm ra nước rửa chén sinh học. ẢNH: DUY TÂN

Ban đầu, sản phẩm làm ra còn nặng mùi, khó bảo quản lâu. Không nản chí, Xuân vận dụng kiến thức đã học, tìm hiểu quy trình sản xuất nước rửa chén trên internet và tham khảo ý kiến từ các giảng viên Trường ĐH Cần Thơ để dần hoàn thiện quy trình sản xuất.

Theo Xuân, công đoạn làm nước rửa chén sinh học trải qua nhiều bước, gồm: lựa chọn vỏ trái cây phù hợp, ngâm ủ với liều lượng 3 kg vỏ cam hoặc vỏ khóm kết hợp với 1 kg đường nâu và nước sạch. Quy trình từ khi ngâm ủ để tạo ra sản phẩm sử dụng được ít nhất phải mất 3 tháng. Ưu điểm của nước tẩy rửa sinh học là được tạo ra bằng phương pháp lên men từ vỏ trái cây nên an toàn với người sử dụng và với môi trường, có khả năng tẩy rửa tốt, thay thế các sản phẩm tẩy rửa hóa học dùng trong gia đình, vừa tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, không hại da tay.

Sản phẩm nước rửa chén làm từ vỏ trái cây. ẢNH: DUY TÂN

Sản phẩm nước rửa chén làm từ vỏ trái cây. ẢNH: DUY TÂN

Đến nay, Xuân đã làm chủ quy trình sản xuất nước rửa chén và được thị trường chấp nhận. Hiện tại, bình quân 3 tháng, Xuân sản xuất được hơn 200 lít, giá bán 30.000 đồng/lít. Sản phẩm chủ yếu bán cho khách quen và tại các hội thảo, hội nghị khoa học trên địa bàn TP.Cần Thơ. Sắp tới, Xuân mong muốn mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị để ngâm ủ và chiết tách, tăng số lượng sản phẩm; đồng thời đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để mở rộng thị trường.

Theo Duy Tân (TNO)

Có thể bạn quan tâm