Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Puih Đup trao truyền vốn văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ biết chế tác nhạc cụ dân tộc, tạc tượng gỗ dân gian, ông Puih Đup (làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) còn bỏ công truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Đup cho biết: Hồi còn bé, ông thường đến xem mọi người trình diễn cồng chiêng và diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc. Sau đó, ông dành thời gian tìm hiểu, học cách đánh cồng chiêng và chế tác các loại nhạc cụ từ người già trong làng.

Nhờ chăm chỉ rèn luyện và được chỉ dạy tận tình, năm 15 tuổi, ông đã thành thục kỹ thuật đánh cồng chiêng và còn biết diễn tấu, chế tác đàn t’rưng, k’lông pút.

“Tháng 10 vừa qua, tôi mua thêm 1 bộ cồng chiêng để luyện tập và phục vụ công việc của cộng đồng. Hiện gia đình tôi sở hữu 3 bộ cồng chiêng (66 chiếc).

Ngoài việc thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội, tôi còn học tập, trau dồi kỹ thuật chỉnh chiêng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân. Đến nay, tôi có thể chỉnh nhiều loại chiêng khác nhau”-ông Đup bộc bạch.

Ông Puih Đup truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên làng Blang 3. Ảnh: R.H

Với tâm huyết trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Đup thường xuyên được các địa phương trong tỉnh mời truyền dạy cồng chiêng và xoang cho giới trẻ. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh thiếu nhi làng Blang 3.

Thời gian qua, với sự dẫn dắt của ông, đội cồng chiêng của làng Blang 3 nhiều lần tham gia tại các hội thi, liên hoan do địa phương, đơn vị tổ chức và đạt được kết quả nổi bật. Tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024, đội cồng chiêng làng Blang 3 đạt giải nhất.

Trước đó, vào tháng 11-2023, tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai lần thứ VI-2023 được tổ chức tại huyện Đak Đoa, đội cồng chiêng làng Blang 3 cũng đạt giải ba toàn đoàn.

Là thành viên của đội cồng chiêng thanh thiếu nhi làng Blang 3, em Puih Thang (lớp 9, Trường THCS Trần Phú, xã Ia Dêr) chia sẻ: Em học cồng chiêng từ lúc 9 tuổi. Mỗi lần ông Đup chỉ dạy cồng chiêng, em đều chăm chú dõi theo và ghi nhớ từng bài cồng chiêng truyền thống của người Jrai. Nhờ sự truyền dạy của ông mà em đã biết đánh cồng chiêng và được đi biểu diễn nhiều nơi.

Ngoài truyền dạy cồng chiêng, ông Đup còn duy trì việc tạc tượng gỗ dân gian. Theo ông Đup, người Jrai thường chọn gỗ muồng đen, mít, quế rừng để tạc tượng gỗ. Các tượng này được đục đẽo và khắc họa theo hình ảnh của con người, con vật trong đời sống lao động sản xuất hàng ngày. Mỗi tượng gỗ đều có ý nghĩa khác nhau nhưng khi nhìn vào mọi người có thể ngầm hiểu được thông điệp bức tượng mang lại.

Ông Puih Đup giới thiệu tượng gỗ dân gian của mình. Ảnh: R.H

Trò chuyện với P.V, ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-thông tin: Ông Đup là người đa tài. Không chỉ tạc tượng gỗ, chế tác nhạc cụ dân tộc, truyền dạy cồng chiêng, ông còn am hiểu phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của người Jrai. Gia đình ông cũng sở hữu nhiều bộ cồng chiêng nhất xã. Ông có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm 2023, ông được Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng giấy khen vì có thành tích giới thiệu văn hóa dân tộc Việt Nam tại Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju-Hàn Quốc; giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (đợt 2).

Có thể bạn quan tâm