Phóng sự - Ký sự

Qua miền đất... rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc người xưa lấy chữ “long” hoặc “rồng” để đặt tên cho sông núi, làng mạc, càng khiến hình tượng con rồng trở nên quen thuộc trong đời sống người dân.

Xuân Giáp Thìn hãy cùng chu du qua những miền đất rồng ở Quảng Ngãi.

Núi rồng...

Quảng Ngãi có 3 ngọn núi nổi tiếng có tên gắn liền với hình tượng con rồng. Đó là núi Long Đầu (hay còn gọi là núi Đầu Rồng), ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), nằm giữa đô thị sầm uất. Núi Long Phụng, ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) 3 mặt giáp ruộng đồng, 1 mặt nhìn về phía biển. Còn núi Long Cốt (hay còn gọi là núi Xương Rồng), ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), án ngữ khu vực phía nam của tỉnh. Tên gọi ấy xuất phát từ sự liên tưởng phong phú của người xưa.

Núi Long Phụng, ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) nằm giữa đồng ruộng mênh mông.

Núi Long Phụng, ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) nằm giữa đồng ruộng mênh mông.

Nằm giữa ruộng đồng bao la ở xã Đức Thắng, núi Long Phụng cao khoảng 70m, dài chừng 2km, như bức tường thành màu xanh, che chắn cho xóm làng. Theo lời người dân trong làng, khi nhìn từ phía tây bắc, núi rõ dáng đầu rồng, đuôi phụng. Tên gọi của núi từ đấy mà ra. Tương truyền, thuở xưa, giới văn nhân xứ Quảng cũng từng nhọc công tìm đến các vị trí thích hợp để ngắm nhìn núi Long Phụng từ bốn hướng. Ở hướng nào, người ta cũng đều thấy núi có hình con rồng, nên gọi là “tứ diện long”.

Còn ở tả ngạn sông Trà Khúc không xa, núi Long Đầu từng được Quốc sử quán Triều Nguyễn mô tả trong Đại Nam nhất thống chí rằng, núi Đầu Rồng, tức Long Đầu, cách huyện Bình Sơn 31 dặm về phía nam, hình thế khuất khúc, sống núi từ núi Sâm Hội chạy về nam, đến khu vực sông Trà Khúc thì dừng, hình như rồng thần hút nước, nên có tên gọi như thế. Trên núi có miếu cổ thờ Long Vận tướng quân, sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Tương truyền, hồi Cao Biền nhà Đường cưỡi diều giấy đến đây yểm đoạn long mạch, hoang đường không tin được. Trong tập “Mười cảnh Quảng Ngãi” có một tựa đề là Long Đầu hý thủy (đầu rồng vờn nước), tức là núi này.

Xuôi về cực nam của Quảng Ngãi là núi Long Cốt nằm cách thắng cảnh “Liên trì Dục Nguyệt” (một trong mười thắng cảnh mà cụ Nguyễn Cư Trinh đã đề thơ ngâm vịnh khi làm Tuần vũ Quảng Ngãi vào năm 1750) chừng 2km về phía tây. Tương truyền, Cao Biền nhà Đường từng đến đây dùng gươm chém vào thân rồng ngự trên núi. Rồng chết, chỉ còn lại bộ xương, nên từ đấy, núi có tên Long Cốt. Còn trong sách Dư Địa chí của Nguyễn Trãi viết cách đây gần 600 năm, tên núi Long Cốt đã có từ xưa. Ngoài tên gọi Long Cốt, núi còn có tên gọi khác là núi Tiên Nữ. Trên núi có 12 tòa tháp, gọi là tháp Tiên Nữ. Còn theo mô tả trong Đại Nam nhất thống chí, núi Long Cốt cao lớn, nhìn như hình lâu đài...

Vùng đất long bàn, long phụng

Theo Đồng Khánh địa dư chí, đời Vua Đồng Khánh, trên địa phận huyện Nghĩa Hành ngày nay có một trại tên Long Bàn Tây, thuộc tổng Nghĩa Trung, huyện Chương Nghĩa. Long bàn ở đây là trong cụm từ “long bàn hổ cứ”, ý chỉ những vùng hiểm yếu, hoặc có cơ thịnh vượng vì có hình dáng như rồng phục, hổ ngồi. Địa danh Long Bàn Tây bây giờ không còn nữa, nhưng trong Từ điển địa danh Quảng Ngãi, do nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư chủ biên, trại Long Bàn Tây ngày ấy, có lẽ thuộc địa bàn hai thôn Long Bàn Bắc, Long Bàn Nam, thuộc xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bây giờ.

BX: Theo “Từ điển địa danh Quảng Ngãi”, trong số hơn 2.500 địa danh, gồm: Các đơn vị hành chính các cấp xưa và nay, tên các địa hình, địa thể tự nhiên và tên do dân gian đặt cho làng xóm, vùng đất, thì địa danh có chữ “long” hoặc “rồng” có hơn 40 địa danh. Trong đó, dù nhiều địa danh có chữ “long”, nhưng xét về nghĩa, phần lớn đều mang ý nghĩa là thịnh vượng, chẳng hạn như huyện Minh Long, tổ dân phố Long Thạnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ)... Còn lại, chữ "long" có nghĩa là con rồng, chỉ đếm đầu ngón tay.

Ở thôn Long Bàn Nam ngày nay, tại xứ đồng Rộc Ban Yên có cây đa gần 300 năm tuổi, như chứng nhân cho bề dày lịch sử mấy trăm năm của làng. Trong kháng chiến chống Pháp, ngay tại gốc đa cổ thụ, người dân đã dùng làm trạm quân y, điểm tuyên truyền của lực lượng cách mạng, nơi chiến sĩ tuyên thệ trước khi lên đường. Trưởng thôn Long Bàn Nam Đặng Bé cho biết, hai thôn Long Bàn Nam, Long Bàn Bắc phía nam giáp rừng, phía bắc giáp sông, địa thế hiểm yếu. Ngày trước, nơi đây là vị trí thuận lợi cho chiến sĩ cách mạng nương náu. Từ bao đời nay, cứ đến dịp cuối năm, hoặc tháng 3 âm lịch, người dân trong làng tề tựu về cây đa sửa soạn mâm cúng, cúng thần đa và cúng nghĩa từ. Đó là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thể hiện đạo lý, lẽ sống tốt đẹp ở đời.

Cây đa cổ thụ ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành).

Cây đa cổ thụ ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành).

Tại xã Đức Thắng, dù tên làng Long Phụng nay không còn nữa, chỉ còn lại núi Long Phụng sừng sững cùng thời gian, nhưng tên làng một thời gắn cùng tên núi, vẫn được người đời nhắc đến. Mọi người vẫn thường gọi vùng đất này bằng tên gọi xưa cũ, cứ như thế, cái tên Long Phụng vẫn mải miết neo lại vùng đất “rồng phụng” năm nào. Theo sử sách chép lại, làng Long Phụng ngày trước, do tướng quân Lê Vinh Quảng tùng chinh với vua Lê Thánh Tông lưu lại đây và sáng lập nên. Nay còn di tích nhà thờ tại thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng. Vào đời vua Gia Long, Long Phụng lúc ấy là một xã, thuộc tổng Trung, huyện Mộ Hoa. Trong hương ước làng Long Phụng có nêu, vào đời vua Bảo Đại, từ cách đây gần trăm năm, người làng lúc ấy đã bố trí hẳn 1 mẫu đất dùng vào mục đích khuyến học. Hằng năm, phần ruộng này được làng đấu giá để lấy tiền mua giấy viết, sách vở hạng tốt cấp thưởng cho học sinh và dùng tu bổ trường, bàn ghế... Ở vùng đất Long Phụng ngày trước và bây giờ, chủ trương “lấn tự hơn lấn điền” - hàm ý là nhiều chữ hơn nhiều ruộng, khuyến khích học hành, vẫn luôn được truyền đời qua các thế hệ. Có lẽ vì vậy mà vùng đất này đã sản sinh ra biết bao người tài giỏi.

Có thể bạn quan tâm