Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20%-một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino.
Nguồn cung có giới hạn trong khi nhu cầu tăng nên đã đẩy giá cà phê lên mức kỷ lục. Mức giá 95.000 đồng/kg được xem là có tính ngắn hạn, cục bộ. Vậy trong tương lai, giá cà phê sẽ ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại sự thay đổi trong ngành cà phê những năm qua. Đó là chất lượng cà phê nhân Robusta của Việt Nam đã tăng lên vượt bậc. Từ việc chỉ được xem là nguồn hàng chất lượng thấp, cà phê Robusta của Việt Nam vốn có giá chỉ bằng 1/3 nay đã lên hơn 80% giá cà phê Arabica. Đến nay, các nhà rang xay trên thế giới đã đưa cà phê Robusta vào công thức chế biến. Trong các loại cà phê rang xay phổ biến trên thế giới, tỉ lệ Robusta từ mức 20%-30% trước đây nay đã chiếm 40%-50%. Còn với cà phê hòa tan, Robusta chiếm tỉ lệ áp đảo nhờ hàm lượng caffeine cùng nhiều đặc tính khác.
Qua từng năm, các nhà máy chế biến cà phê trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam. Thế nhưng, họ lại quen với việc định giá thấp để có lợi nhuận cao.
Do cà phê bị định giá thấp, sinh kế của nông dân không bảo đảm khi gắn bó với loại cây trồng này. Đến khi chanh dây hay sầu riêng xuất hiện, có hộ trồng chanh dây lãi 150-300 triệu đồng, sầu riêng 500-700 triệu đồng/ha/năm thì nông dân khó thể trung thành với cây cà phê khi lợi nhuận chưa được 100 triệu đồng. Thế là họ xen canh, thậm chí chặt bỏ vườn cà phê để chuyên canh sầu riêng hay chanh dây. Đây cũng là một trong những lý do khiến sản lượng cà phê của Việt Nam thiếu hụt mạnh. Xu hướng này vẫn còn diễn ra vì khi đất đai có hạn, người dân sẽ chọn trồng cây nào có hiệu quả kinh tế nhất.
Cà phê Robusta là sản phẩm được tiêu dùng trên toàn cầu, thậm chí với nhiều người còn là hàng thiết yếu không thể bỏ. Nhưng với nông dân, nếu trồng cà phê không có lời, họ sẵn sàng bỏ - lúc đó sẽ là sự đe dọa về nguồn cung cho thế giới. Năm nay, Tây Nguyên hạn hán, tương lai thiếu hụt cà phê Robusta nghiêm trọng vẫn còn ở phía trước.
Vì vậy, muốn có nguồn hàng bền vững để phục vụ thị trường, các nhà chế biến cà phê cần phải chia sẻ lợi nhuận xứng đáng cho nông dân Việt Nam, không ép giá đối với họ khi vào mùa như trước.
Tôi cho rằng mức giá cà phê 95.000 đồng/kg như hiện nay có thể là nhất thời, cục bộ. Thế nhưng, tôi cũng tin rằng giá cà phê Việt Nam sẽ không về mức rẻ mạt như trước đây. Các nhà rang xay nên chuẩn bị cho mặt bằng mới của giá cà phê nguyên liệu, ít nhất là 50.000-70.000 đồng/kg, để bảo đảm lợi nhuận cho người trồng và tính toán kinh doanh.
Trong khi đó, cà phê Robusta Việt Nam đang ở "cơ hội vàng" để xây dựng thương hiệu quốc gia khi có đủ các yếu tố như: Chất lượng cao, giá trị tốt, sản lượng khiêm tốn.
Theo Ngọc Ánh ghi (NLĐO)