Phóng sự - Ký sự

Quán cơm 2.000 đồng "bao no" giữa Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người Sài Gòn có một cách nói rất dân dã, người miền Bắc hay miền Trung mới đầu nghe sẽ không hiểu. Họ thích dùng từ “bao” để đảm bảo cho một điều gì đó. Ví dụ, chị bán trái cây luôn quảng cáo xoài bao ngọt. Người bán quần áo thì nói “đồ bao đổi trả”. Đến người làm nghề sửa ống nước cũng ưng nói “sửa xong rồi đó, bao xài nha”…

Người viết bài phải giải thích như vậy, để bạn đọc không còn thắc mắc về quán cơm “bao no” “bao nhân ái” giá 2.000 đồng giữa lòng Sài Gòn đắt đỏ nhưng hào hiệp này.

 

Khách nhận dĩa cơm 2.000 đồng với đầy đủ cơm và thức ăn, món tráng miệng.
Khách nhận dĩa cơm 2.000 đồng với đầy đủ cơm và thức ăn, món tráng miệng.

Từ những vị khách dép lê đến khách đặc biệt đều như nhau

Tuần trước, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân đã tới quán cơm Nụ cười hay còn gọi là quán 2 ngàn (số 6 Cống Quỳnh, quận 1) để ăn trưa. Chủ quán cơm là ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng - nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP) vẫn “bắt” cả đoàn phải mua phiếu. 14 người, mỗi người 2.000, tổng cộng 28.000. Các vị khách đặc biệt vui vẻ mua phiếu, ăn xong lại vui vẻ ủng hộ quán tổng cộng 132 triệu đồng.

Quán cơm 2 ngàn là vậy. Từ một người lao động nghèo đến bất kỳ vị khách đặc biệt nào cũng thu 2.000 một suất ăn với đầy đủ cơm, canh, rau xào, trái cây tráng miệng. Ông Nam Đồng và ông Lê Văn Chính (Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty truyền thông CK) - những người mở ra quán cơm này với mục đích giúp đỡ cho người có thu nhập thấp.

“Anh Chính và tui suy nghĩ thế này: Lấy nhiều tiền thì không có ý nghĩa phục vụ người thu nhập thấp được, mà không lấy tiền thì giống như là bố thí vậy, làm cho người ăn có cảm giác mặc cảm. Bởi vậy quán mới có giá 2.000, một số tiền để người ăn không có mặc cảm. Họ là khách hàng, họ bỏ tiền ra mua cơm và được phục vụ” - ông Nam Đồng nói.

10h, quán cơm bắt đầu có những vị khách đầu tiên. Họ trật tự xếp thành hai hàng. Trên tay mỗi người cầm sẵn những tờ tiền 2.000 đồng, có tờ cũ kỹ, nhàu nát. Họ đưa tiền, nhận phiếu, lấy khay cơm nhiều ngăn có đầy đủ những món ghi trong thực đơn.

Bà Thủy vừa gửi bao ve chai ngoài cửa rồi xếp hàng mua phiếu. Bà là vị khách lâu năm, đã ăn cơm ở quán suốt 5 năm qua. “Tui đi lượm ve chai vòng vòng. Lượm 2-3 ngày mới gom lại bán. Mỗi lần bán được tầm bảy tám chục. Có quán cơm hai ngàn này cũng đỡ lắm. Ở ngoài ăn rẻ nhất cũng phải mười lăm hai chục ngàn. Mỗi ngày tiết kiệm được mười mấy ngàn, gom gom lại cuối tháng trả tiền trọ”.

Ngồi chung bàn với bà Thủy, không ai nghĩ Thịnh là sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Cao Thắng bởi cậu thanh niên 20 tuổi vẫn mặc chiếc áo thể dục rất cũ của trường cấp 3 đến giảng đường. Nhà Thịnh ở quận 12. Mỗi ngày, cậu phải bắt 2 tuyến xe buýt và đi bộ 20 phút để đến trường. Hơn một năm qua, hôm nào phải học cả ngày, Thịnh đều ghé quán cơm hai ngàn để ăn trưa: “Em ăn cơm ở đây để dành tiền đi xe buýt đi học, đỡ xin má”.

Hơn 12 giờ, quán bắt đầu thưa khách, chị Gái trở thành một trong những vị khách cuối cùng tới đây ăn trưa. Hơn 1 tháng qua, trưa nào chị cũng là người ghé quán muộn nhất. Và lần nào, 3 người họ cũng chỉ mua 1 đĩa cơm hai ngàn: “Cơm thêm thoải mái mà. 3 mẹ con ăn 1 đĩa đủ no gồi (rồi - P.V)”.

Hàng ngày, chị Gái bế hai đứa nhỏ đi bán vé số ở quận nhất, quận 3 để kiếm sống. Đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Theo lời chị Gái thì ngày nào “hên” thì bán được chín mấy tám chục ngàn. Dạo này mưa có bữa bán được có năm sáu chục. Ba “sắp nhỏ” thì làm phụ hồ. Vợ chồng cái con thuê trọ giá 600.000 đồng/tháng. “Người ta chỉ tui, biểu đến đây ăn cơm cho ghẻ (rẻ). Mà công nhận, đỡ thiệt” - chị cười phới lới, giọng miền Tây đặc sệt.

 

Ông Nam Đồng - người gây dựng chuỗi quán cơm Nụ cười.
Ông Nam Đồng - người gây dựng chuỗi quán cơm Nụ cười.

Ông Nam Đồng ước tính, những vị khách mang dép lê này, khoảng 30% số khách là người lượm ve chai, 30% là người bán vé số, 25% học sinh sinh viên, số còn lại là khách vãng lai đủ thành phần, bán hàng rong và người nuôi bệnh ở các tỉnh.

“Xin ủng hộ chai nước tương có được không?”

“Trách nhiệm xã hội và tấm lòng của người Sài Gòn như cái mạch ngầm, mình làm sao khơi thông nó bằng tấm lòng, bằng sự tin tưởng, bằng ý nghĩa xã hội thì cái mạch đó nó chảy hoài, chảy miết”. Ông Nam Đồng nói như thế về quán cơm 2 ngàn. Quán ấy bây giờ đã thành chuỗi, 6 tiệm bán cơm với giá 2.000 đồng.

Giá mỗi đĩa cơm là 2.000. Tuy nhiên, chi phí cho suất ăn trung bình 20.000 đồng. Như vậy, mỗi đĩa cơm, quỹ phải “bù” 18.000 đồng. Mỗi quán phục vụ tầm 300-500 đĩa cơm mỗi ngày. Có thể tính sơ sơ, để đủ chi phí bù cho 6 quán cơm Nụ cười là một số tiền lớn. Nhưng nhờ sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái, quỹ chưa bao giờ thiếu tiền trang trải. Mà theo lời ông Nam Đồng, những tấm lòng đó không chỉ đến từ người có điều kiện.

Một hôm, có vị khách ăn mặc sành điệu, mang giày bóng loáng đi xe SH tấp vô quán cơm 2 ngàn xếp hàng mua phiếu ăn. Nhiều người trong quán hơi “dị ứng” với hình ảnh đó. Thế nhưng, không như họ nghĩ, người khách này sau khi ăn xong thì xin phép đi vào bếp tham quan một vòng. Có lẽ, anh coi thử xem quán có như lời đồn, báo chí nói hay không. Xong, đi ra cửa, anh vui vẻ đóng góp 2 triệu đồng.

Một người phụ nữ là khách quen của quán nhiều năm. Một hôm ăn cơm xong, cô đã cầm 23.000 đồng đi ra tiệm tạp hóa mua một chai nước tương. Với thái độ trân trọng, cô hỏi ông Nam Đồng: “Cho tui xin ủng hộ chai nước tương có được không?”. Tất nhiên là được. Cô nói mình là người giúp việc theo giờ. Mỗi giờ 30.000 đồng. Ngày nào cô cũng đi xe buýt qua quận 7 giúp việc từ 10-12 giờ rồi về quán ăn cơm.

Ở đây, không ít những tấm lòng như thế. Như những em học sinh được cha mẹ cho 20.000 đồng ăn trưa. Các em cùng nhau tới quán ăn, mua phiếu 2.000 đồng, còn dư 18.000 cũng rụt rè đến… xin ủng hộ cho quán. Kể những chuyện này, ông Nam Đồng rơm rớm nước mắt.

Xin đóng góp một tấm lòng

“Nếu không có tiền thì đóng góp tấm lòng” - Công Hiển - một tình nguyện viên tự nhận “làm cái gì cũng được” gắn bó với quán cơm Nụ cười hơn 1 tháng qua - chia sẻ. Lúc mới vô làm thì anh được phân công lau khay, rồi biết chút chút thì được cho xới cơm, phụ bốc vác, vận chuyển gạo vô kho, lấy cơm thêm cho khách, dọn khay... Hiển là du học sinh ngành bác sĩ đa khoa ở Hungary. Nghỉ hè, về Việt Nam chơi, anh nghe nói về quán cơm ý nghĩa quá nên xin vô phụ quán.

 

Ba mẹ con chị Gái đến ăn cơm sau khi đi bán vé số về.
Ba mẹ con chị Gái đến ăn cơm sau khi đi bán vé số về.

Hàng ngày, để duy trì hoạt động, quán cần 8 tình nguyện viên. Người gọt rau củ, người lau khay, đầu bếp, phụ xếp cơm… Trong số họ, chỉ 1-2 người nhận lương. Mà lương cũng chỉ 3 triệu - một số tiền đủ cho chi phí xe cộ, đi lại.

Gắn bó với quán từ những ngày đầu tiên, chị Hoàng Tâm làm công việc này không vì tiền. “Vì làm toàn thời gian ở đây, lại là đầu bếp chính nên tui nhận 3 triệu. Nhận để mình có thêm trách nhiệm với chính công việc này. Đó là lý do, 5 năm qua, ngày nào tui cũng tới quán làm việc cả”.

Nhiều người nước ngoài cũng tìm đến chuỗi quán cơm Nụ cười để xin làm tình nguyện viên. “1 tháng, 2 tháng hay bao lâu đi chăng nữa, họ đều rất nghiêm túc và chu đáo” - ông Nam Đồng kể. Quán từng có một tình nguyện viên người Mỹ. Mọi người gọi là John. Ông là Giám đốc một Công ty bưu điện ở bang California. Năm nào, ông dành 2 tháng để về đây phục vụ. Ngày nào, ông cũng đeo tạp dề có túi rất to đằng trước rồi bỏ một đống kẹo đủ loại. Con nít vô quán ăn, ông phát cho cục kẹo.

Chính sự nghiêm túc và chu đáo của những người “xin đóng góp một tấm lòng” mà khách đến đây đều cảm thấy yên tâm. Ở Sài Gòn đắt đỏ, 2.000 vốn chẳng đủ để mua vé xe buýt, cũng chẳng đủ tiền giữ xe… Nhưng 2.000 mua được một bữa cơm đủ dinh dưỡng và đầy sự trân trọng.

Đúng như ông Nam Đồng nói, những thực khách của quán, dù là ai, trên gương mặt họ không hề có biểu hiện của sự mặc cảm. Họ đường hoàng đến ăn, đường hoàng ra về, nhường chỗ cho người tới sau. Số tiền tiết kiệm được nhờ ăn cơm ở đây không nhiều, nhưng gom lại chắc cũng đủ để thêm thắt gửi về quê cho con, đóng tiền học, trả tiền trọ hay cũng có thể là… để giúp đỡ người khác.

Khương Quỳnh/laodong

Có thể bạn quan tâm