Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quản lý chi ngân sách chủ động, chặt chẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng là một trong 9 nhóm giải pháp quan trọng mà Bộ Tài chính đặt ra trong  6 tháng cuối năm 2016. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư, đồng thời chủ động điều hành nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp theo quy định.

Dự án nâng cấp và mở rộng đường Hùng Vương (TP. Pleiku) được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác

Thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, trong 6 tháng, ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương đã đạt những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo sức bật để vượt qua khó khăn, thử thách ở phía trước. Ở lĩnh vực chi ngân sách nhà nước (NSNN), 6 tháng qua đã thực hiện chi đạt 562,5 ngàn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển cả nước đạt 32,2% dự toán, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đến hết quý II-2016, giải ngân đạt 32,1% DT; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 23% dự toán. So với cùng kỳ năm trước, tiến độ giải ngân vốn vẫn đạt thấp. Chi trả nợ và viện trợ đạt 50% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên đạt 48,5% dự toán, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
 

Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giao cho tỉnh Gia Lai năm nay là 2.061,427 tỷ đồng. Đến hết quý II, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương giải ngân 94,925 tỷ đồng, đạt 12,09% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 35,389 tỷ đồng, đạt 18,22%; vốn xổ số kiến thiết giải ngân 18,952 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương giải ngân 158,79 tỷ đồng, đạt 20,38%.

Tại địa bàn Gia Lai, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ. Nhờ đó, công tác điều hành chi được thực hiện chủ động, tích cực; kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng ngân sách có tiến bộ. Các nhiệm vụ chi cơ bản được đảm bảo theo đúng dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó các khoản chi đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp-chế độ chính sách của Nhà nước, công tác an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh... được đáp ứng kịp thời với yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách. Kết thúc quý II, tổng chi NSNN địa phương đạt 4.103,3 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán Trung ương giao và 47,8% dự toán tỉnh giao, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương thực hiện 230 tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán Trung ương giao và 23,46% dự toán tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi thường xuyên thực hiện 3.295 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán Trung ương giao và 56,7% dự toán tỉnh giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, ngành Tài chính tỉnh còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí thực hiện cải cách tiền lương. Theo tính toán của Sở Tài chính, số tiền tiết kiệm năm nay là 246,1 tỷ đồng. Chi các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ do Trung ương bổ sung là 475 tỷ đồng, đạt 32,5% dự toán tỉnh giao...
 

Ngành Tài chính tỉnh chủ động quản lý chi ngân sách trên địa bàn. Ảnh: H.B

Trao đổi về công tác điều hành chi ngân sách, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nhờ chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành ngân sách mà tỉnh đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua phân bổ kinh phí trợ cước, trợ giá, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách cũng như hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán trên địa bàn thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2016, ngành Tài chính tỉnh xác định cần đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Sở Tài chính cũng đã đề xuất thành lập tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng. Đồng thời thường xuyên đôn đốc việc hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí...

 Hải Bình

Có thể bạn quan tâm