(GLO)- Thay đổi cách thức kiểm tra, trực tiếp tuyên truyền sâu sát đến từng hộ kinh doanh, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính… là những giải pháp của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kiểm tra trực tiếp, công khai
Lập ngay một bàn kiểm tra “dã chiến” trong khu nhà lồng thuộc Trung tâm Thương mại Pleiku để kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) là cách làm mới mà đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) đang áp dụng. Chị Phan Thị Thúy Vân-tiểu thương kinh doanh nem, chả tại Trung tâm Thương mại-cho biết: “Trước đây, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra tại cơ sở sản xuất, nhưng lần này kiểm tra ngay tại chợ khiến chị em tiểu thương yên tâm hơn. Các mẫu nem, chả của tôi sau khi test (kiểm tra nhanh) đều cho kết quả không có hàn the. Đây cũng là cách chúng tôi chứng minh chất lượng sản phẩm với khách hàng”. Cùng ủng hộ cách làm của đoàn kiểm tra, bà Nguyễn Thị Đào-một người bán bánh hỏi, bánh ướt-cho hay: “Cả 2 mẫu bánh tôi bán đều đảm bảo chất lượng, không hề có chất cấm. Kết quả này sẽ giúp việc buôn bán thuận lợi hơn”.
Lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra nhanh tại Trung tâm thương mại Pleiku. Ảnh: L.L |
Việc kiểm tra không chỉ là cơ sở để các tiểu thương chọn kinh doanh những sản phẩm uy tín, tự tin khẳng định chất lượng với khách hàng mà còn giúp người tiêu dùng, tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe. Chứng kiến việc lấy mẫu, kiểm tra nhanh tại chợ, chị Hoàng Thị Kiều Phương (số 10 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi cũng từng khá lo lắng về chất cấm có trong thực phẩm, khi ăn vào sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Lần này được chứng kiến cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra trực tiếp, biết rõ sản phẩm nào đạt chất lượng, tôi cũng yên tâm hơn khi chọn lựa nguyên liệu”.
Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn-quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, trong năm 2018, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra về ATTP trên địa bàn TP. Pleiku. Tuy nhiên, việc kiểm tra kết hợp tuyên truyền ngay tại Trung tâm Thương mại Pleiku là sáng kiến mới. “Trung tâm Thương mại Pleiku là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh. Do đó, việc kiểm tra kết hợp tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao, tác động sâu rộng đến người dân. Rất mừng là trong đợt kiểm tra vừa rồi, cả 140 mẫu thực phẩm đều đảm bảo chất lượng, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”-ông Tuấn nhấn mạnh.
Cán bộ QLTT tuyên truyền các quy định pháp luận về an toàn thực phẩm. Ảnh: L.L |
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP có nhiều điều khoản siết chặt công tác quản lý ATTP. Trong đó, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, thay vào đó chỉ có quy định hình thức phạt tiền. Mức phạt tiền cũng cao hơn nhiều so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 10 lần (chẳng hạn, với hành vi bơm tạp chất vào tôm, mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng). Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định số 115/2018/NĐ-CP là 100 triệu đồng/cá nhân, 200 triệu đồng/tổ chức. Ngoài ra còn có các mức phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm...
Là một trong những hộ kinh doanh được cán bộ Quản lý thị trường trực tiếp tuyên truyền về các quy định mới liên quan đến ATTP, chị Phạm Thị Phương Mai-tiểu thương kinh doanh thịt heo tại Trung tâm Thương mại Pleiku-chia sẻ: “Mức xử phạt rất nặng nên ai cũng cố gắng thực hiện nghiêm, không dám bán ẩu. Thịt heo bán ra đều phải có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng”.
Lê Lan