Quản lý và xử lý chất thải xây dựng: Còn lỏng lẻo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhịp độ phát triển của tỉnh ta đang ngày càng lớn, các công trình xây dựng đua nhau mọc lên khiến lượng chất thải xây dựng cũng tăng theo. Theo thống kê, lượng rác thải xây dựng chiếm đến 10% chất thải rắn đô thị. Trong khi ngành chức năng chưa có quy hoạch hay quy định cụ thể nào về việc quản lý cũng như xử lý chất thải xây dựng thì những bãi đất trống, những nơi hoang vắng ven thành phố trở thành… bãi rác bất đắc dĩ.

“Xà bần” được lén lút đổ lên trên một khu đất trống ở phường Đống Đa, TP. Pleiku.  Ảnh: Hải Lê
“Xà bần” được lén lút đổ lên trên một khu đất trống ở phường Đống Đa, TP. Pleiku. Ảnh: Hải Lê

“Tiện đâu đổ đó” hiện đang là cách mà nhiều người dân ở Pleiku cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đang áp dụng đối với việc xử lý loại chất thải này. Với sự phát triển của một đô thị năng động bậc nhất khu vực Bắc Tây Nguyên, đi liền với tốc độ gia tăng chóng mặt các công trình xây dựng thì vấn đề xử lý chất thải xây dựng đang đặt ra ngày càng bức thiết.

Đối với các công trình lớn, xây dựng nhiều tầng, các vữa gạch bê tông của những công trình cũ đập ra (còn gọi là “xà bần”) được chủ thi công công trình hợp đồng cho xe tải đến vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì không ai rõ, chỉ biết, Gia Lai chưa có bất cứ một bãi rác nào tiếp nhận và xử lý các loại rác thải xây dựng. Thông thường, “bãi đáp” của những xe “xà bần” này sẽ là một bãi đất trống nào đó nằm ở vùng ven đô thị. Việc lén lút đổ trộm rác vào ban đêm cũng gây ra không ít bức xúc cho nhiều người dân. Bà Phạm Thị Huệ-một người dân sống tại tổ 8 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku), than phiền: “Bên cạnh nhà tôi là khu đất trống. Có hôm, sáng sớm mở cổng đã đập vào mắt tôi là đống “xà bần” đổ vội tràn sang cả phần cổng nhà mình. Cách nhà tôi 200 mét cũng có một bãi đất trống khá rộng khác mà lâu nay các xe tải thường đua nhau chở rác tới đổ. Lâu dần chỗ đó trở thành một “bãi rác mi-ni” ngay mặt đường. Người dân xung quanh thấy thế cũng đem rác thải sinh hoạt, đồ dùng cũ… chất đống lên, rất mất mỹ quan và gây ô nhiễm”.

Hiện nay, vẫn có những công trình cần sử dụng “xà bần” để lót nền móng khi xây dựng và “trưng dụng” loại chất thải này. Tuy nhiên, số này không nhiều và không thường xuyên. Rác thải xây dựng vì thế tồn tại xen lẫn rất nhiều trong các khu dân cư và khu vực ngoại ô thành phố.

Theo phân loại, gạch, vữa xi măng thải bỏ được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Thế nhưng, việc quản lý và xử lý rác thải xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh lại chưa được ngành chức năng quan tâm đúng mức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có bãi rác thải nào được xây dựng đáp ứng được việc thu gom, xử lý các loại chất thải xây dựng. Đơn cử như tại TP. Pleiku, “xà bần” vẫn được đổ chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt của thành phố. Ông Nguyễn Bá Trường-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, cho biết: Chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay đều mang tính tự phát và chưa được quản lý, thống kê cụ thể. Chất thải này phát sinh từ các công trình xây dựng, chủ yếu là nhà ở. Chất thải xây dựng tuy khó phân hủy nhưng ít gây ô nhiễm môi trường mà chủ yếu là phát sinh bụi bặm và chiếm nhiều diện tích. Thành phố cũng chưa ghi nhận trường hợp nào đổ “xà bần” ra nơi công cộng hay làm ngăn cản dòng chảy các con suối.

Lĩnh vực quản lý chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Do có quá nhiều công trình xây dựng nên cơ quan chức năng không thể nắm bắt hết. Dù theo quy định, khi các công trình tiến hành xây dựng đều phải qua Phòng Quản lý Đô thị để xin giấy phép và ký yêu cầu bắt buộc hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai để xử lý chất thải nhưng đa số các nhà thầu thường tự thuê xe tải vận chuyển “xà bần” đi đổ bỏ nơi khác. Theo tìm hiểu, được biết, cấp xã, phường nếu phát hiện hành động thải bỏ chất thải xây dựng không đúng nơi quy định sẽ thực hiện việc xử phạt. Phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku cũng đang xây dựng kế hoạch quản lý chất thải rắn, phế thải xây dựng trên địa bàn tỉnh vào năm 2016. Theo kế hoạch này, thành phố quy hoạch một bãi chứa chất thải và xử lý bằng hình thức chôn lấp, đồng thời siết chặt quy định về việc thải bỏ chất thải, phế thải xây dựng để không gây ô nhiễm môi trường.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm