Quan tâm giải quyết chế độ cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chi trả BHXH tại huyện Kbang.
Chi trả BHXH tại huyện Kbang.
Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức đóng vào quỹ ốm đau và thai sản bằng 3%, người sử dụng lao động giữ lại 2% để chi trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại mục 1 và mục 2 chương II Nghị định số 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Hàng quý người sử dụng lao động có trách nhiệm quyết toán với tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định. Song, thực tế nhiều đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh lại không muốn giữ lại 2% này.

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.725 đơn vị sử dụng lao động tham gia đóng BHXH nhưng đã có tới 634 đơn vị không giữ lại 2% (chiếm 36,8%). Nhiều đơn vị sử dụng lao động không giữ lại 2% mà xin được chuyển đủ 3% quỹ ốm đau và thai sản cho cơ quan BHXH. Điển hình như huyện Đak Đoa 100% đơn vị không giữ lại 2% như quy định của Luật BHXH. Ông Phạm Xuân Kiểm- Giám đốc BHXH huyện Đak Đoa cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 80 đơn vị sử dụng lao động tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên, 100% đơn vị trên địa bàn làm đơn xin  không giữ lại 2% số thu BHXH để chi trả chế độ ốm đau, thai sản mà xin nộp hết 3% cho cơ quan BHXH. Lý do việc được đưa ra là giữ lại 2% là không cần thiết và thêm khó khăn cho đơn vị trong việc theo dõi, quản lý và quyết toán hàng quý với BHXH. Doanh nghiệp ít lao động và không có cán bộ chuyên trách về BHXH.
Không chỉ riêng huyện Đak Đoa mà môt số huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự như: Huyện Kbang 81 đơn vị, Chư Pah 61 đơn vị, Ia Grai 70 đơn vị, Kông Chro 69 đơn vị, Đức Cơ 62 đơn vị, Chư Prông 100 đơn vị, Ayun Pa 67 đơn vị và Chư Pưh 44 đơn vị. Theo quy định của Luật BHXH, đơn vị sử dụng lao động giữ lại 2% tiền đóng BHXH để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động sau đó quyết toán với cơ quan BHXH, vấn đề này ít nhiều đã gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng lao động trong việc quyết toán, thẩm định hồ sơ do đơn vị không nắm được chính sách, nên không giải quyết chế độ cho người lao động...
Ông Nguyễn Sáu-Trưởng phòng thu- BHXH tỉnh cho biết: Chúng tôi cũng đồng cảm với khó khăn của các doanh nghiệp. Các đơn vị sử dụng lao động thiếu người phụ trách chuyên sâu về BHXH nên rất khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, dẫn đến xuất toán không đúng với quy định. Ngoài ra, các đơn vị có ít lao động, số tiền giữ lại quá ít nên khó trong việc giải quyết chế độ kịp thời cho người lao động. Mặt khác, nếu đơn vị chi sai thì khó thu hồi lại từ người lao động... Do đó, để tránh tình trạng sai sót trong chi trả chế độ, rất nhiều đơn vị đã xin không giữ lại 2% này. Trường hợp những đơn vị sử dụng lao động không giữ lại 2% thì sau khi có trường hợp ốm đau, thai sản người sử dụng lao động lập hồ sơ gửi cho cơ quan BHXH sau đó chúng tôi xem xét và giải quyết chế độ cho người lao động theo luật định.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm