(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1994/KH-UBND về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai quán triệt nội dung kế hoạch trong các sở ban ngành, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương, nắm vững về chủ trương, quy trình, phương pháp triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan liên quan phối hợp tạo điều kiện trong giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Ảnh: T.N |
Đồng thời, các ngành chức năng liên quan phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh để triển khai các nội dung kế hoạch trên theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, ở cấp huyện, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện. Ở cấp xã, tiến hành củng cố kiện toàn Hội đồng người có công cấp xã. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thôn làng, tổ dân phố, chỉ đạo việc triển khai thực hiện giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công tại địa phương theo đúng quy định.
Quy trình thực hiện đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh bao gồm các công đoạn chính gồm: Phân loại hồ sơ tồn đọng tại cấp tỉnh, xác minh bổ sung đối với các hồ sơ có thể hoàn thiện, tổ chức xét duyệt tại cấp xã, sau đó đến cấp huyện và tỉnh. Đối tượng hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh phải đủ các điều kiện như hồ sơ đã lập ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; hồ sơ đang lưu trữ tại cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và Quân đội từ cấp tỉnh trở lên...
Thanh Nhật