Quan tâm thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 8-3-2007 “Về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, định canh định cư giai đoạn 2007-2010, và định hướng đến năm 2020”.

Trên cơ sở đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa bằng những chương trình hành động cho từng thời kỳ nhằm đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo; phát huy tốt vai trò của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo.

 

Phát triển nghề dệt truyền thống để góp phần giảm nghèo. Ảnh: Đ.T
Phát triển nghề dệt truyền thống để góp phần giảm nghèo. Ảnh: Đ.T

Từ định hướng nói trên mà các chương trình xóa đói giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư và người nghèo, hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tấm gương quyết tâm thoát nghèo vươn lên làm giàu xuất hiện ở hầu hết các địa phương, tạo được phong trào xóa đói giảm nghèo lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn địa bàn tỉnh nói chung, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi rõ rệt, nhất là về hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa; chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ. Từ năm 2006 đến 2011, toàn tỉnh đã giảm được 39.977 hộ nghèo, trong đó, giai đoạn 2006-2010 (theo tiêu chí cũ) giảm 28.980 hộ nghèo từ 27,22% xuống còn 10,8%. Năm 2011 (theo tiêu chí mới giảm được 10.997 hộ) từ 27,56% xuống còn 23,75%, đạt 123% kế hoạch chỉ tiêu đề ra; trung bình hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% đến 4%. Tính đến cuối năm 2012, dự ước tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 20,68% số hộ.

Để đạt được các mục tiêu về kinh tế trong xóa đói, giảm nghèo, tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham gia của hệ thống các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc cho vay tín dụng ưu đãi, xác định đúng đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay, trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); kết hợp làm tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật và cách thức làm ăn cho hộ vay đối với các hộ nông dân, đặc biệt nông dân là dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện tốt chính sách trợ giá, trợ cước, cấp không thu tiền các mặt hàng theo Quyết định 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ sản xuất gồm: giống vật nuôi, cây trồng, vật tư, phân bón, thực hiện đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tuyển lao động vào các công ty, nông-lâm trường, lồng ghép với nguồn lực tín dụng vay không lãi theo Quyết định 32/QĐ-TTg và lãi suất thấp qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo, người dân tộc thiểu số được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm (2007-2012), số lao động được đào tạo nghề là 77.253 người (cao đẳng nghề: 237 người; trung cấp nghề và dạy nghề dài hạn: 7.521 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 69.495 người), trong đó đã đào tạo nghề cho 12.860 lao động thuộc hộ nghèo. Sau khi đào tạo nghề, người lao động được ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự sản xuất, kinh doanh.

Các cấp chính quyền, hội-đoàn thể cũng vận động chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định. Đa số lao động nghèo sau khi học nghề xong đã nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng cơ bản để áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần tăng thu nhập kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động luôn được các cấp, các ngành quan tâm. 5 năm qua, tỉnh đã tạo việc làm cho 126.000 lao động, trong đó: Việc làm trong nước: 122.025 lao động; xuất khẩu lao động: 3.975 lao động.

Chủ trương giao, khoán rừng cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, chủ trương trồng cao su trên đất rừng nghèo khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã cơ bản ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Định canh, định cư tập trung được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2008 đến năm 2012 được 5/13 điểm (đạt 38% so với dự án được duyệt) với kinh phí 30,701 tỷ đồng/98,190 tỷ đồng (đạt 31% so với dự án được duyệt); số hộ hưởng lợi là 355/887 hộ (đạt 40% so với đề án được duyệt). Định canh, định cư xen ghép triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2008 đến năm 2012 được 58/106 điểm (đạt 54,72%) với kinh phí 29,533 tỷ đồng/120,162 tỷ đồng (đạt 24,47%); số hộ được hưởng lợi là 1.584/2861 hộ (đạt 55,36% so với dự án được duyệt).

Việc triển khai thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh có 11.757 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở với tổng số kinh phí là 97,38 tỷ đồng, giải ngân được hơn 84,222 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây dựng được trên 400 căn nhà cho hộ nghèo.

Từ sự hỗ trợ đầu tư của nhiều nguồn kinh phí, những năm qua Gia Lai đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Đó là điều đáng ghi nhận.

Đỗ Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm