Phóng sự - Ký sự

Quay cuồng trong cơn sốt đất-Kỳ 5: Những kịch bản ma quỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tung tin đồn, làm giả quyết định cơ quan Nhà nước, bán dự án 'ảo', thậm chí tự cắt đất từ Quảng Nam về Đà Nẵng... là những kịch bản mà giới cò đất, 'cá mập' tung ra để khiến cơn sốt đất thêm quay cuồng.
 
Tháng 10.2018, khu vực Hòa Liên 5 trở thành điển hình của chiêu trò thổi giá, tạo sốt đất ảo. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Từ quý cuối của năm 2018 đến nay, nhiều kịch bản thổi giá bất động sản (BĐS) đã được tung ra, mặc dù chiêu trò không mới, nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy sau khi cò đất, “cá mập” rút đi.
Hè năm 2018, thị trường BĐS Đà Nẵng trải qua 3 tháng đóng băng khá lạ lùng so với mọi năm. Hằng năm, đây là mùa giao dịch sôi động nhất bởi đà tăng giá sau Tết và vào mùa du lịch kết hợp mua bán của các nhà đầu tư phía bắc, vốn được xem là dòng vốn quan trọng dẫn dắt thị trường BĐS miền Trung.
Các nghiên cứu của đơn vị chuyên về thị trường BĐS như Savills hay CBRE, đều đưa ra nhận định khách hàng phía bắc chiếm đến 70% giao dịch BĐS, nhất là BĐS đất vàng ven biển của TP.Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung.
Trong một lần trả lời Thanh Niên vào thời điểm BĐS Đà Nẵng đang chững lại đầu năm 2018, một "đại gia" BĐS Đà Nẵng, ông L.T, nhận định sau Tết 2018 thị trường sẽ ấm dần và đến mùa hè 2018 sẽ bùng nổ theo quy luật. Nhưng lần này, vị đại gia có "số má" trong nghề BĐS đã sai.
 
Thị trường BĐS miền Trung từ năm ngoái đến nay diễn ra sôi động với nhiều chu kỳ tăng giảm. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Thị trường BĐS mùa hè 2018 trầm lắng và giá đi ngang, đến nỗi, có dự án được đánh giá là tốt về mọi mặt, pháp lý rõ ràng, cùng chiến lược marketing bài bản, chính sách bán hàng linh động, nhưng sau 3 tháng mùa hè, giai đoạn 2 mở bán với giá chỉ cao hơn giai đoạn 1 khoảng 300.000 đồng/m2.
Ông N.Q.H (38 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), một nhà đầu tư thứ cấp, lỡ ôm 4 lô đất dự án vào hè 2018, than thở mình phải chấp nhận chịu lỗ, gánh lãi vay ngân hàng, để trả lại đất cho chủ đầu tư, vì nếu tiếp tục đi vay để nộp tiền theo tiến độ dự án, thì thiệt hại còn nặng nề hơn.
Điều này không giống thị trường BĐS Đà Nẵng thời điểm cuối năm 2017, khi giá nhà đất nhảy từng giờ, có lúc cơn sốt đất đẩy "sóng" chênh lệch trăm triệu đồng/sản phẩm.
Cò đất đại náo, sốt đất quay cuồng
Không rõ ngẫu nhiên hay cố ý, tháng 10.2018, chiêu trò thổi giá bắt đầu xuất hiện, đầu tiên là vụ làm giả văn bản của UBND TP.Đà Nẵng "đồng ý xây cầu nối từ đường Bùi Tá Hán (Q.Ngũ Hành Sơn) về trung tâm TP".
 
Văn bản giả mạo chủ trương xây cầu Bùi Tá Hán. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Trong một thời gian dài trước đó, đã có những lúc tin đồn xây cầu mới này xuất hiện từ giới cò đất, cũng chỉ với mục đích cho dân buôn xả hay đẩy hàng. Nhưng đây là lần đầu tiên, giới cò đất táo tợn làm giả cả văn bản của chính quyền.
Anh N.H.X (38 tuổi, ngụ Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) mừng như bắt được vàng khi cặp đất đảo VIP gần công viên ra sông của anh được trả gần 4 tỉ đồng/lô. Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh N.H.X bán đúng thời điểm. Ngay sau đó, UBND TP.Đà Nẵng ra thông báo khẳng định văn bản này là giả mạo. Giá đất nhanh chóng xì hơi 300 - 400 triệu đồng/lô 100 m2, trở về như cũ.
 
Hàng ngàn nhà đầu tư, cò đất đổ về Hòa Liên 5 tháng 10.2018.  ẢNH: NGUYỄN TÚ
Cùng thời điểm, ở phía tây bắc Đà Nẵng, tại khu vực Hòa Liên 5 (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, làng quê không còn yên tĩnh khi không rõ từ đâu hàng trăm cò đất, nhà đầu tư đổ dồn về lướt sóng.
 
Dù cho xét về rất nhiều yếu tố như hạ tầng, vị trí, mức giá, BĐS Hòa Liên 5 không bằng các nơi khác. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Trước đó, tiền tỉ là con số không tưởng đối với đất nền khu vực này. Nhiều trường hợp tái định cư bán 1 lô đất không đủ tiền làm nhà, nay chứng kiến giá đất Hòa Liên 5 tăng phi mã 30% -  50%, có trường hợp tăng đến 80%, chỉ trong vòng 2 ngày.
Lúc này, cùng với tin chính thức về dòng vốn rót về phục vụ thi công Cảng Liên Chiểu,giới cò đất cũng nhanh chóng bơm tin di dời 2 nhà máy thép gây ô nhiễm, để đẩy giá đất Hòa Liên 5 tăng vọt.
 
Mặc cho nhiều dân buôn còn ngẩn ngơ không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Hòa Liên 5 . ẢNH: NGUYỄN TÚ
 
Thì các giao dịch đặt cọc vẫn diễn ra chóng vánh. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Chỉ sau 2 ngày, giá đất Hòa Liên 5 xì hơi.
Ông Nguyễn Hoàng Đức (ngụ H.Thăng Bình, Quảng Nam) kể, 20 ngày trước khi Hòa Liên 5 lên cơn sốt, ông bán lô đất đường 5,5 m giá 820 triệu đồng, thì cũng tại vị trí này, chính mắt ông chứng kiến một phụ nữ mua với giá 1,25 tỉ đồng/lô, gấp rưỡi giá. Người phụ nữ này đã chần chừ nhưng trước áp lực của những lời xô vào của nhiều cò đất xung quanh, chị đã xuống tiền đặt cọc và ngay hôm sau mắc kẹt khi cơn sốt đất hạ nhiệt.
Một giám đốc sàn giao dịch BĐS khẳng định, giá đất sốt cục bộ ở làng quê Hòa Liên 5 không đúng giá trị và thực tế, đây chỉ là chiêu đẩy giá ở nơi này để kéo giá nơi khác lên theo ý đồ của những người làm dự án.
 
Liên tục nhảy giá, là những hình ảnh chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong cơn sốt đất Hòa Liên 5. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Làng quê không yên tĩnh
Sau Hòa Liên, đến lượt làng quê Hòa Tiến không yên tĩnh, cũng quay cuồng trong cơn sốt đất đầu tháng 3.2019  - một cơn sốt đất chỉ kéo dài…vài ngày.
Cũng những kịch bản thổi giá đất quen thuộc: Đầu tiên, trên mạng xã hội Facebook "bỗng dưng" xuất hiện thông tin cuối 2019 H.Hòa Vang sẽ chia tách 4 xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn và Hòa Phong, lập quận mới tên Hiếu Đức. Thông tin này kèm theo việc rao bán 100 lô đất nền nông thôn với giá đô thị nhằm đón sóng đầu cơ.
Các kịch bản sốt đất đều tỏa đi nhanh và khiến nhiều người tin tưởng vì có... lý do. Cầu từ đảo VIP qua Bùi Tá Hán đã từng được đưa ra bàn bạc giữa TP.Đà Nẵng và doanh nghiệp, dựa trên nhu cầu giao thông cực kỳ bức thiết hiện nay giữa khu vực Hòa Xuân về trung tâm TP. Còn việc tách H.Hòa Vang thành 2 quận nằm trong đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị cho TP. Đà Nẵng.
Nhưng các thông tin này đều chỉ mới dừng lại ở ý tưởng, đã bị lợi dụng để bơm giá đất, tạo sốt đất "ảo".
 
Sau Hòa Liên, đến lượt Hòa Tiến rơi vào bẫy sốt đất ảo. ẢNH: NGUYỄN TÚ
 
Các vị trí thửa đất được rao bán hầu hết còn cỏ mọc um tùm. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Chưa dừng lại ở đó, một nhóm "cá mập" bắt đầu xuất hiện ở xã Hòa Tiến với chiến dịch mua tất tần tật, từ bờ ruộng đến bụi tre với giá tiền tỉ. Từ đường bê tông hai ô tô không tránh nhau được đến đường đất ra ruộng, người đi gom đất xuất hiện nườm nượp, gõ cửa từng nhà hỏi mua đất, tạo nên một khung cảnh náo nhiệt chưa từng có.
Bà Lê Thị Thu, Trưởng thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến lắc đầu ngao ngán khi ở ngay điểm nóng nhất cơn sốt đất, hầu như ngày nào bà cũng bị giới cò đất từ nơi khác đến làm phiền.
Theo bà Thu, Nam Sơn là thôn nhỏ nhất xã chỉ 50 ha và đất đai cũng cằn cỗi bạc màu nhất xã, nên người dân không mặn mà, ai mua là bán ngay. “Không thể tưởng được khi miếng đất 100 m2 còn chắn bụi tre giá chỉ 140 triệu đồng, được cò đất sang tay lên đến 1 tỉ đồng”, bà Thu kể.
 
Có thửa còn vườn tược, chưa thấy lối đi.  ẢNH: NGUYỄN TÚ
 
Thậm chí có thửa đất còn chắn nguyên bụi tre cũng có giá "sang tay" trên 1 tỉ đồng. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Trước tình trạng trên, ông Đặng Phú Hành, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang lập tức có văn bản chấn chỉnh, cảnh báo tin về trường đua ngựa hàng trăm triệu USD sẽ được xây dựng tại Hòa Tiến là hoàn toàn thất thiệt.
Sau Hòa Tiến, đàn "cò đất" tiếp tục kéo đến Hòa Ninh với các siêu dự án đô thị không tưởng, nhưng lần này bài quá lộ nên cơn sốt đất ở Hòa Ninh bất thành.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cũng cảnh báo, sốt ảo ở Hòa Liên 5 hay một số khu vực xuất phát từ đội ngũ “hoạt náo viên”, chuyên tập trung theo nhóm thổi giá trong thời gian ngắn.
Chiêu này không mới ở các thị trường BĐS lâu năm như hai đầu đất nước, nhưng vẫn hiệu quả nhất thời tại TP.Đà Nẵng khi một bộ phận người đầu tư không tỉnh táo sập bẫy.
Cả gan cắt đất Quảng Nam về Đà Nẵng
Không chỉ Đà Nẵng, tại Quảng Nam, các kịch bản thổi giá cũng diễn ra với độ táo tợn, liều mạng không kém bởi nơi đây, thị trường BĐS cũng đang quay cuồng trong cơn sốt đất.
Đầu tháng 3.2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải cảnh báo về việc xuất hiện quyết định giả mạo, giả cả chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, với nội dung tỉnh phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở TP.Hội An.
 
Văn bản giả mạo UBND tỉnh Quảng Nam, giả chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Tuy cách thức thể hiện văn bản khá sơ sài, không chuẩn theo mẫu, nhưng nội dung rất "hợp lý" nên nếu không phải là cán bộ, viên chức Nhà nước, thì rất khó biết giả mạo.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An đã phải lập tức lên tiếng khẳng định "quyết định" này là giả mạo.
 
UBND TX.Điện Bàn phải cấp tốc cảnh báo trước tin đồn một phần TX sẽ nhập về Đà Nẵng . ẢNH: NGUYỄN TÚ
Cũng vào đầu tháng 3.2019, gần như cùng thời điểm với các tin đồn lập quận mới ở H.Hòa Vang và siêu dự án trường đua ngựa đặt ở huyện này, thì tại Quảng Nam, tin đồn một phần TX.Điện Bàn sẽ được cắt ra giao về cho TP.Đà Nẵng, khiến UBND TX phải ra văn bản cảnh báo.
“Một số đối tượng cò đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường BĐS, tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, như một số xã của TX.Điện Bàn sáp nhập về Đà Nẵng, dự án hàng trăm tỉ…”, Văn bản của UBND TX cảnh báo.
Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBDN TX.Điện Bàn cho biết thêm, kèm với tin đồn, giới cò đất còn mua đi bán lại bằng hợp đồng đặt cọc ảo để lừa nhà đầu tư. Người dân nhầm tưởng giao dịch sôi động mà quyết định đầu tư, từ đó gây sốt ảo.
Các tin giả này là động thái nhằm đẩy giá để xả hàng, trong bối cảnh BĐS Điện Bàn đang đón nhiều tin bất lợi về các dự án vướng pháp lý. Từ kịch bản thổi giá ở Quảng Nam và Đà Nẵng trùng lặp cùng thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, giới BĐS lý giải, hằng năm, ra Tết là thời điểm quyết định xu hướng trong năm tăng trưởng hay trầm lắng, giới BĐS hay đùa nếu không vượt qua được giai đoạn “bản lề” này thì rất dễ “bể làng”, có khả năng do vậy xuất hiện các tin giả để kích giá.
Những kịch bản "ma quỷ" như vậy lại tiếp tục cuốn các nạn nhân quay cuồng trong cơn sốt đất. (còn tiếp)
Nguyễn Tú (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm