(GLO)- 1. Đó là một quán cà phê hết sức đơn sơ trong lối bài trí: Ngôi nhà gỗ mộc mạc có ô cửa sổ mở ra vườn cúc họa mi, lối vào rải sỏi. Bàn ghế gỗ xinh xinh, bao quanh cũng là hàng rào gỗ tạp. Nơi cuối vườn, góc nhìn mở ra một khoảnh đất nhỏ trồng rau xanh mướt.
Tưởng như chẳng có gì dụng công, nhưng thực ra chủ quán lại bỏ ra rất nhiều công sức để tạo dựng một không gian đơn-sơ-cố-ý. Không chút sang chảnh, vậy mà quán cứ nườm nượp khách.
Mới đây, du khách đến với “Ngày hội di sản văn hóa” tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh cũng bày tỏ sự thích thú với các gian hàng tại đây. Tất cả đều là phên tre, mái lá, nơi trưng bày các sản phẩm du lịch, các món ẩm thực vùng miền từ Bắc chí Nam. Xung quanh, trên các bãi cỏ xanh non bài trí các loại nông cụ xưa. Dường như mọi thứ đều đẹp hơn, ngon hơn trong không gian đậm chất làng quê ấy. Đặc biệt, ai cũng ấn tượng với quầy bán bia hơi được trang trí đúng kiểu thời bao cấp, gợi nhớ về một thời khó quên.
2. Cũng những người đã qua thời hậu chiến rồi đến bao cấp, dễ mấy ai quên những bữa cơm đạm bạc với gạo hẩm, gạo mốc, cơm độn khoai, mì. Cái đói, cái khổ đeo bám. Rồi cũng đến giai đoạn nâng chất, từ “ăn no mặc ấm” lên “ăn ngon mặc đẹp”. Vậy mà giờ đây, khi bước vào hàng quán sang trọng, nhiều người lại thích quay về với những thức món dân dã, bình dị: cơm niêu, rau luộc, rau xào, cá kho tộ, thịt kho cùi dừa… Thậm chí, quán ăn có tên “Cơm độn” bỗng dưng đắt khách không ngờ.
Một người bạn tôi cũng đã tìm thấy niềm hạnh phúc từ bữa ăn đơn sơ nhưng đảm bảo sức khỏe với lối dinh dưỡng gần như thuần chay. Bạn bảo, chính những bữa ăn thừa mứa, ê hề thịt cá, bia rượu đã làm cơ thể và tâm trí nặng nề, như bị trì níu. Bệnh tật cũng theo đó mà đến.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước quầy bán bia hơi được trang trí trong “Ngày hội di sản văn hóa” tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Ảnh: An Nguyễn |
3. Người viết bài này đã cố lý giải vì sao người ta thường bị cuốn hút bởi những điều đơn sơ, trong khi cuộc sống giờ đây luôn được bao quanh bởi tiện nghi và công nghệ. Có lẽ bởi bản chất con người là luôn hoài nhớ, tìm về bao điều xưa cũ, thường tìm kiếm những thứ mình thiếu thốn hoặc đánh mất. Mà chúng bao giờ cũng giản dị và gần gũi lắm. Chẳng phải ta luôn thấy tâm hồn mình tĩnh lại, lắng trong khi được trở về với một miền quê, với mái lá, rơm rạ, khói bếp, với con sông êm đềm chảy sau nhà hay chiếc võng đưa?
Người phương Tây có một câu kinh điển: “Simple is the best” (tạm dịch: Đơn giản là tốt nhất). Giản dị trong cách ăn, cách mặc, cách sống sẽ giúp ta hạnh phúc. Giản dị ở đây không có nghĩa tùy tiện mà thực chất là hướng đến sự tối giản nhưng không kém phần tinh tế. Vậy nên nhiều khi, ta có xu hướng phức tạp hóa hoặc theo đuổi những thứ mà bản thân không thật sự cần, không thật sự phù hợp. Quá nhiều trang sức hay đồ hiệu trên người; quá theo đuổi vật chất, hư vinh; quá nặng suy tư đeo mang… đều khiến ta mệt mỏi vì vướng bận.
Phải chăng chúng ta đã được nuôi lớn bằng những mộng tưởng đơn sơ, nhưng rồi bị cuộc sống cuốn đi với bao điều phù phiếm?!
LAM NGUYÊN