Gọi sâm Ngọc Linh là chưa chuẩn, cần xác định đúng tên là 'sâm Việt Nam' để khẳng định chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và giữ “bản quyền” của loài sâm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là 'quốc bảo' này...
Vùng đất được coi là thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Ảnh: Quang Viên
Dân tộc Xê Đăng sống bên sườn núi Ngọc Linh kể rằng, có nàng công chúa xinh đẹp ở thiên đình ngày nọ xuống trần gian đã đem lòng yêu chàng trai Xê Đăng cường tráng, tộc trưởng của làng. Nàng sinh được cậu con trai khuôn mặt sáng như ánh mặt trời.
Ngày nọ, thú dữ tràn vào làng, người chồng chỉ huy dân làng chống lại, nhưng cuối cùng bị thú quật chết, còn con trai bị thú dữ bắt đi. Nàng công chúa đuổi theo và giành lại được con trai nhưng đứa bé rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, cận kề cái chết. Nàng vận hết thần lực truyền cho đứa con yêu quý.
Khi cậu bé vượt qua lưỡi hái tử thần và tỉnh lại, cũng là lúc thân xác nàng biến thành cây nhỏ xòe năm lá như năm ngón tay. Cậu bé được dân làng chăm sóc, nhưng khi đêm xuống mẹ hiện về dẫn vào rừng dạo chơi, cho ăn loại củ có vị đắng trước ngọt sau. Ăn củ lạ, cậu bé lớn nhanh như thổi, cường tráng như cha, rồi được dân làng chọn làm tộc trưởng... Từ đó, người Xê Đăng biết dùng loại củ này chữa bệnh và gọi đó là “thuốc giấu”. Họ coi loài cây này như một báu vật thần núi, thần rừng đã ban tặng...
Từ truyền thuyết đến khoa học
So sánh hàm lượng saponin, sâm Ngọc Linh cao gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc, nhân sâm Mỹ
TS Lê Thị Hồng Vân |
Trước khi viết bài về sâm Ngọc Linh, tôi đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu nhưng khi gặp gỡ các nhà nghiên cứu, dân chơi sâm... tôi mới ngộ ra những gì mình cũng như rất nhiều người khác biết về sâm này chỉ ở mức “mon men bìa rừng”.
Nhờ được tham gia Hội quán sâm Ngọc Linh, tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tuyền, một tay chơi sâm được anh em trong hội gọi là “quái kiệt”. Có người từng mấy mươi năm tìm hiểu về sâm Ngọc Linh cũng phải thốt lên ba lần: “Bái phục!” người đàn ông 49 tuổi này.
Tôi hỏi: “Người Việt đã hiểu rõ giá trị của sâm Ngọc Linh chưa?”, anh Tuyền khẳng định: “Chưa”. Lý do, nhiều người biết sâm này rất quý, nhưng quý cỡ nào thì phải tìm hiểu qua những luận chứng khoa học, không thể cứ phán cực quý, thần dược bằng miệng được. “Xưa nay hầu hết người Việt vẫn quen dùng và tin tưởng dược chất nhân sâm Triều Tiên là đầu bảng, sau đó đến nhân sâm Trung Quốc, Mỹ, nhưng sâm Ngọc Linh mới là số 1 thế giới”, anh Tuyền khẳng định. Anh còn kể nhiều câu chuyện dùng sâm này chữa bệnh hiểm nghèo cho bạn bè, người thân...; song lại bảo: “Tin hay không thì tùy nhưng hàng loạt công trình nghiên cứu (khoảng trên 50 công trình) ở Việt Nam và thế giới đã chứng minh sâm Ngọc Linh là vị thuốc rất quý, đứng trên cả nhân sâm Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ”.
Sâm Ngọc Linh xắt lát ngâm mật ong dùng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh
Trong khi đó, TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên bộ môn dược liệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đưa ra những số liệu cụ thể hơn: Sâm Ngọc Linh có đến 50% saponin thuộc nhóm hoạt chất ocotillol nhân sâm (sâm Triều Tiên) không có. So sánh hàm lượng saponin, sâm Ngọc Linh cao gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc, nhân sâm Mỹ. Đặc biệt, nhóm saponin thuộc khung ocotillol như majonosid R2 (M-R2) chiếm hơn 50% hàm lượng saponin toàn phần sâm Ngọc Linh. Đây được coi là đặc trưng để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác trên thế giới.
Về tác dụng chữa bệnh, ông Tuyền cho tôi xem nhiều công trình nghiên cứu và nói: “Sâm Ngọc Linh chữa hoặc hỗ trợ chữa được rất nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh nan y”. Trong hàng loạt nghiên cứu sâm này đối với sức khỏe, có những nghiên cứu rất công phu được thực hiện bởi các cá nhân, đơn vị uy tín như: Viện Nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi với GS Phạm Khuê và cộng sự, Quân y viện 175 TP.HCM với GS Đỗ Đình Luận và cộng sự, Viện Điều dưỡng TP.HCM, Bộ phận dược lý Trung tâm sâm Việt Nam.
Một củ sâm Ngọc Linh trồng tại vùng núi Ngọc Linh
Trong đó, chương trình theo dõi trên các bệnh nhân tình nguyện do Bộ phận dược lý Trung tâm sâm Việt Nam thực hiện kết luận: Bệnh nhân cảm thấy ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, tăng thể trọng, tăng thị lực, trí lực và thể lực được cải thiện tốt. Giảm mệt mỏi, chống suy nhược sức khỏe. Gia tăng sức đề kháng của cơ thể trong các bệnh nhiễm trùng khi phối hợp với các loại kháng sinh thông dụng. Cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể như: Tăng dung tích sống, tăng chỉ số tiffeneau, giảm cholesterol huyết, tăng tỷ số A/G, tăng số lượng hồng cầu hemoglobin và hematocrit. Cải thiện suy nhược thần kinh, suy nhược sinh dục...
Giữ “bản quyền” sâm Việt Nam
Việt Nam không chỉ có sâm Ngọc Linh
Việt Nam đâu chỉ có riêng sâm Ngọc Linh. Cho đến nay ở Việt Nam có bốn loài sâm thuộc chi Panax đã được công bố: P. bipinnatifidus Seem (sâm vũ diệp); P.notoginseng F.H.Chen ex C.Y.Wu et K.M.Feng (tam thất) loài di thực trồng phía bắc Việt Nam; P. stipuleanatus H.Tsai et K.M.Feng (tam thất hoang) và P. vietnamensis Ha et Grushv. (sâm VN), cuối cùng là P. vietnamensis var fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai (sâm Việt Nam Lai Châu/dã tam thất (Trung Quốc).
TS Lê Thị Hồng Vân |
Năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long, người dẫn đầu đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu 5 đã cúi hôn, rồi sau đó bật khóc khi phát hiện sâm Ngọc Linh tại núi Ngọc Linh, thuộc Kon Tum và Quảng Nam. Dược sĩ Long đặt danh pháp khoa học cho loài sâm này là Panax articulatus KL Dao. Từ đó đến nay, tên thường gọi của sâm này cứ mặc định là sâm Ngọc Linh.
Tuy vậy, tên gọi đó chỉ theo thói quen, chưa chuẩn xác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1985, TS Hà Thị Dụng cùng TS Grushvitsky (Liên Xô) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L, họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học Panax vietnamensis Ha et Grushv. Theo quan điểm của nhiều nhà khoa học, cách đặt tên này chuẩn xác nhất.
Nên gọi đúng tên sâm VN vì giống sâm Ngọc Linh đã được trồng thành công tại Lâm Đồng
“Việc đặt tên cho sâm Ngọc Linh với tên khoa học Panax vietnamensis ngay từ năm 1985, có lẽ các nhà khoa học đã dụng ý xác lập chủ quyền và dự phóng lãnh thổ rộng lớn cho sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam rồi”, TS Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.
Trên thực tế quá trình khảo sát thực địa, sâm Ngọc Linh được phát hiện thêm ở nhiều nơi. Một chuyên gia về sâm này, nguyên là Giám đốc Công ty Dược Quảng Nam, cho biết: “Nếu mường tượng vùng tự nhiên có loại sâm ta quen gọi sâm Ngọc Linh như một con voi thì Quảng Nam là cái mông voi; còn mình, đầu, vòi ở Kon Tum và Lào. Mông voi khá to, nhưng tất cả phần còn lại của con voi to hơn nhiều”.
Rõ ràng, cả một dãy liền theo địa chất thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho giống sâm Ngọc Linh phát triển từ Quảng Nam vắt qua Kon Tum sang đến Lào, chứ không riêng vùng núi Ngọc Linh. Các khảo sát gần đây cho thấy sâm này còn phân bố tại các núi Ngọc Lum Heo, Ngọc Am (Quảng Nam). Ngoài ra, loài sâm được xem như “anh em ruột” của sâm Ngọc Linh đã được phát hiện ở Lai Châu. Chưa kể, việc di thực giống sâm Ngọc Linh đến một số địa phương khác cũng cho những kết quả bất ngờ về hàm lượng, số lượng hoạt chất khá tương đồng với sâm trồng tại núi Ngọc Linh.
Khảo sát thực địa đã rõ. Các nhà khoa học cũng kiến nghị cần định danh từ sâm Việt Nam (nói chung) như trong Dược điển Việt Nam. Tên sâm Ngọc Linh chỉ nên dùng cho sâm VN có chỉ dẫn địa lý tại núi Ngọc Linh.
Theo chúng tôi, không thể để sâm Việt Nam “chết” luôn cái tên sâm Ngọc Linh. Như vậy, chúng ta tạo ra một “cửa” rất hẹp, trong khi lại muốn loại sâm “quốc bảo” này trở thành thương phẩm xuất khẩu, kỳ vọng mang về hàng tỉ USD như sâm Hàn Quốc.
Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn gien, nhân giống, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và phát triển thương hiệu mang tên “sâm Việt Nam” một cách bài bản để giữ được bản quyền. Theo một số thông tin chúng tôi có được, giống sâm Việt Nam cũng đã có một số quốc gia đem về nghiên cứu và trồng thử nghiệm.
Quang Viên (Thanh Niên)