Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Quốc hội bàn về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tham dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.
 


Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ: Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là những vùng trọng yếu về quốc phòng-an ninh, đối ngoại và có nhiều tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, đây là vùng kinh tế-xã hội phát triển chậm. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.

Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai trong phiên làm việc ngày 28-5. Ảnh: Trần Dung



Việc xây dựng chương trình là giải pháp quan trọng góp phần phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay. Đối tượng điều chỉnh của chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian thực hiện 10 năm (2021-2030) được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030, tổng nguồn vốn thực hiện dự kiến 134.270,7 tỷ đồng.

Cũng trong phiên làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời nghe Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; nghe Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng-chống thiên tai và Luật Đê điều.

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm